Sốt là một triệu chứng bình thường ở trẻ, cho thấy cơ thể đang chiến đấu chống lại các tác nhân gây bệnh. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt nhưng nếu trẻ sốt 40 độ thì khả năng cao trẻ đang bị cảm lạnh hoặc mắc phải các bệnh nhiễm trùng như cúm, quai bị, thủy đậu,...
Sốt 40 độ có thể là do trẻ bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh nhiễm trùng như thủy đậu, cúm, quai bị,... Ảnh minh họa
Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện?
Khi trẻ bị sốt cao, nhiều mẹ sẽ vô cùng lo lắng và thường đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám. Tuy nhiên, lúc này các mẹ nên bình tĩnh, tìm cách hạ sốt cho con tại nhà và chỉ nên đưa con tới bệnh viện khi có một trong những dấu hiệu kèm theo sau:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt từ 40 độ trở lên.
- Trẻ sốt cao 40 độ liên tục 3 ngày không khỏi.
- Hạ sốt hơn 24 giờ rồi lại tái phát.
- Chán ăn, quấy khóc, ngủ li bì.
- Nôn hoặc tiêu chảy.
- Ho.
- Trẻ có dấu hiệu đau tai, chẳng hạn như trẻ bỗng thường xuyên bứt tai hơn trước.
- Da nhợt nhạt hoặc ửng đỏ.
- Tã khô ráo hơn, trẻ ít đi tiểu.
- Phát ban không rõ nguyên nhân.
- Khó thở, thở nhanh hơn bình thường.
Có nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt không?
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt cần đúng loại thuốc dành cho trẻ em và đúng liều lượng. Ảnh minh họa
Do sốt là một cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus nên một số chuyên gia cho rằng nhiệt độ tăng cao có thể giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng hiệu quả hơn. Vì vậy, tốt nhất là nên để cơn sốt hạ xuống một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao liên tục, gây ảnh hưởng đến thể chất của trẻ, trẻ bỏ ăn, ăn ít và không thể ngủ vào ban đêm thì mẹ có thể cân nhắc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ. Điều quan trọng là sử dụng đúng loại thuốc dành cho trẻ em và đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định chứ tuyệt đối không được tự ý mua và cho bé uống.
Khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, mẹ cần lưu ý:
- Hãy cẩn thận với liều lượng, bởi lượng thuốc uống bao nhiêu còn phụ thuộc vào cân nặng của trẻ.
- Không nên cho uống thuốc hạ sốt nhiều lần hơn so với khuyến cáo của bác sĩ. Chẳng hạn thuốc acetaminophen chỉ nên uống cách nhau 4 giờ và tối đa 5 lần/ngày, trong khi đó thuốc ibuprofen uống cách nhau 6 giờ và tối đa 4 lần/ngày.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống aspirin.
- Không tự ý cho con uống thuốc ho vì trong chúng có thể đã chứa thuốc hạ sốt, nếu uống thêm có thể khiến trẻ uống quá liều.
- Trong trường hợp trẻ sốt 40 độ uống thuốc không hạ, mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Cách chăm sóc trẻ sốt 40 độ
Mẹ có thể đắp khăn lạnh lên trán để giúp trẻ hạ sốt. Ảnh minh họa
Khi bị sốt cao, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc,... và lúc này mẹ cần phải có biện pháp can thiệp để giúp con cảm thấy thoải mái hơn. Dưới đây là những việc mẹ nên làm khi trẻ sốt:
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi để nhiệt tỏa ra dễ dàng. Nếu trẻ sốt 40 độ chân tay lạnh, trước tiên mẹ nên đi tất và đắp chăn cho trẻ cho đến khi trẻ ấm toàn thân.
- Đặt một chiếc khăn mát trên trán khi trẻ nằm nghỉ ngơi.
- Cho trẻ bú nhiều sữa mẹ, uống nhiều nước. Với những trẻ lớn hơn, mẹ thậm chí còn có thể cho trẻ ăn đồ ướp lạnh, sữa chua,... để làm mát cơ thể từ bên trong và tránh tình trạng cơ thể bị mất nước.
- Bật quạt trong phòng để lưu thông không khí nhưng lưu ý không được để quạt thổi trực tiếp vào người bé.
- Cho trẻ tắm nước ấm: Khi thân nhiệt trẻ hạ xuống, mẹ không nên tắm cho trẻ bằng nước lạnh vì việc này sẽ khiến trẻ bị rùng mình, ớn lạnh, từ đó thân nhiệt sẽ nhanh chóng tăng cao trở lại. Vì vậy, mẹ chỉ nên tắm nhanh cho con trong phòng kín gió bằng nước ấm.
- Không nên pha rượu, cồn hoặc dấm vào nước để lau mát người cho trẻ.
- Nếu trẻ bị co giật khi sốt, mẹ không nên giật tóc hay vỗ vào người trẻ vì việc này sẽ khiến trẻ càng bị kích thích và co giật nhiều hơn.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về cách chăm sóc đúng cách cho trẻ sốt 40 độ ngay tại nhà. Hy vọng các mẹ sẽ bình tĩnh và có cách xử lý đúng khi có con rơi vào trường hợp này để giúp con nhanh chóng hạ sốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn