Trẻ “thèm” được lao động

06:00 | 15/09/2016;
Đầu tuần vừa rồi, con gái tôi học lớp 4 về xin tiền đóng khoản vệ sinh trường lớp. Con giải thích, đó là khoản tiền để trả cho người lao công dọn dẹp vệ sinh, nhặt rác xung quanh sân trường.
Nếu được lao động tập thể, học sinh sẽ đoàn kết và đạt được kết quả tốt hơn - Ảnh minh họa internet.
Nghe con kể, tôi nhớ ngày trước, ngay khi học ở bậc tiểu học (từ lớp 3 trở đi), mỗi tuần một lớp có buổi lao động, dọn vệ sinh trường. Học buổi sáng thì đi lao động buổi chiều hoặc ngược lại.

Các buổi lao động đó thường mệt, nhưng rất vui. Cả lớp tập trung quét dọn rác, nhổ cỏ vun lại thành đống lớn. Rồi sau đó hai hoặc ba người tập trung đi đổ. Các tổ, các nhóm thi đua nhau nên rất háo hức. Việc quét dọn vệ sinh làm cho sân trường sạch sẽ, thoáng mát nên ai ai cũng tích cực, tự giác.

Đem chuyện này trao đổi với con gái, bé cũng hưởng ứng và nói nếu được lao động tập thể như thế, chắc lớp con sẽ đoàn kết và đạt được kết quả tốt. Nhưng rồi bé lại xụ mặt xuống, thỏ thẻ: “Bọn con học suốt ngày có làm hết bài tập đâu, thời gian đâu mà tham gia lao động? May mà ở nhà thỉnh thoảng con còn được nấu ăn, nhặt rau, rửa bát, chứ các bạn lớp con không ai phải động tay động chân vào việc gì”.

Tôi lại nhớ đến cảnh mấy gia đình có con bằng tuổi con gái mình. Đến giờ ăn cơm trẻ cũng không chịu phụ ba mẹ dọn mâm bát. Người lớn phải phục vụ tận nơi, cơm bưng nước rót. Ăn xong rồi trẻ cũng không biết để bát bẩn ở đâu, cần phải dọn dẹp thế nào; thay quần áo bẩn thì quăng quật khắp nơi, cha mẹ lại phải theo sau thu dọn…

Nếu trẻ không có cơ hội để lao động chân tay cả ở trường lẫn ở nhà để rèn luyện thể lực và biết được giá trị của lao động chân chính thì việc sau này trẻ khiếm khuyết về nhân cách là một kết quả tất yếu dù không ai muốn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn