Trẻ nhập viện gia tăng do thời tiết thất thường
Khoảng một tuần trở lại đây, thời tiết Hà Nội thất thường, độ ẩm cao, mưa nhiều... là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Ghi nhận ở một số bệnh viện tại Hà Nội cho thấy, số bệnh nhi nhập viện trong những ngày qua liên tục gia tăng, điển hình có bệnh viện lượng bệnh nhi nhập viện tăng 150 đến 200% so với những tháng trước đó. Đa số trẻ nhập viện liên quan đến các bệnh lý về đường hô hấp và tiêu hóa.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Khám bệnh những ngày gần đây trung bình tiếp nhận khoảng 200 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp. PGS.TS Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện nhi Trung ương), cho biết Trung tâm tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi/ngày do mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Tại khoa Nhi của các bệnh viện như Bệnh viện E, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, các bệnh nhi viêm đường hô hấp và tiêu chảy cấp nhập viện cũng gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh - Phó khoa Nhi, BV Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, thời gian qua trẻ nhập viện do bị nôn, tiêu chảy có gia tăng, nhưng đây không phải là điều bất thường và không phải “dịch nôn” như mọi người vẫn chia sẻ. “Hiện bắt đầu vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm thất thường khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, các loài côn trùng như ruồi, muỗi, gián, kiến... sinh sôi làm lây lan mầm bệnh. Do đó, mùa hè cũng là mùa trẻ dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa”, bác sĩ Lĩnh chia sẻ.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, trẻ bị nôn, sốt, tiêu chảy đến viện có tăng trong 2 tuần vừa qua, đa số trẻ nhập viện sau khi được điều trị đều đáp ứng tốt và hồi phục nhanh. “Các trường hợp nhập viện, chúng tôi đều khám, xét nghiệm để giám sát và loại trừ bệnh viêm gan bí ẩn theo đúng chỉ đạo của ngành y tế, hiện chưa phát hiện ca bệnh nào từ nhóm trẻ nôn, sốt, tiêu chảy vào nhập viện”, bác sĩ Sang chia sẻ.
Đối với trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bác sĩ Sang cho rằng đây mới là vấn đề đáng cánh bảo hiện nay, trong khoảng hơn một tuần trở lại đây số bệnh nhân đến khám, nhập viện tăng khoảng 150 đến 200% so với những tháng trước đó. Trong số gần 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa, có tới 70% bệnh nhi mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…
Bác sĩ Sang cho biết, đa số trẻ bị viêm đường hô hấp có liên quan đến virus hợp bào hô hấp RSV. Ảnh: Lê Phương.
“Qua xét nghiệm cho thấy, chủ yếu trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV. Đây là loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Đáng chú ý không ít trường hợp phụ huynh chủ quan hoặc mắc một số sai lầm khi chăm sóc trẻ tại nhà khiến trẻ trở nặng hơn”, bác sĩ Sang chia sẻ.
Sai lầm khiến trẻ nặng hơn khi ho, sốt
Tại phòng điều trị tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), chị N.T.H (Hoàng Mai, Hà Nội) ôm con nhỏ mới 4 tháng tuổi đang sốt vần li bì... Trước khi vào viện, con chị H bị sốt, khò khè, khó thở... Do nghĩ con bị cảm cúm thông thường, chị tự đi mua thuốc về điều trị tại nhà. Khi con sốt hơn 39 độ, ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo, chị H giặt khăn với nước lạnh dùng chườm khắp người cho con với mong muốn điều hòa thân nhiệt để để trẻ nhanh hạ sốt.
Sau 3 ngày, tình trạng con chị H ngày càng nặng và phải nhập viện điều trị, kết quả trẻ bị viêm phổi, may mắn là chưa quá nặng nên được điều trị bằng thuốc, chưa phải thở máy.
Bác sĩ Sang cho biết, hai sai lầm thường gặp nhất khi phụ huynh chăm sóc trẻ bị ho, sốt tại nhà là tự ý mua thuốc trong đó có kháng sinh và chườm lạnh cho trẻ. “Việc làm này vô cùng nguy hiểm, vì trường hợp trẻ bị virus tấn công thì kháng sinh không có tác dụng, thậm chí có thể làm tình trạng nặng hơn, thậm chí có trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn huyết. Việc chườm lạnh cho con cũng là một sai lầm, vì làm như vậy không những không hạ được sốt mà khiến trẻ bị cảm lạnh nặng hơn, từ đó tình trạng trẻ sốt cao hơn”, bác sĩ Sang chia sẻ.
Việc chườm cho trẻ phải đúng cách, nếu không sẽ khiến trẻ càng nặng thêm. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ bị sốt tại nhà, bác sĩ Sang tư vấn điều quan trọng nhất là cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ, nên cặp nhiệt độ cho trẻ cứ 20-30 phút/1 lần. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, các mẹ cần dùng hạ sốt theo hướng dẫn của nhà sản xuất và bác sĩ, đặc biệt chú ý đến cân nặng của trẻ.
Trường hợp chườm cho trẻ nên chườm ấm, không được chườm lạnh. Khi trẻ sốt cao liên tục 2 ngày, ho, khò khè nhiều, ăn kém, li bì thì nên cho đến viện kiểm tra.
Để phòng bệnh, trong giai đoạn thời tiết thất thường như hiện nay, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh nguồn nguy cơ lây nhiễm bệnh như đến nơi đông người, đồng thời tăng cường bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của trẻ. Cần phát hiện sớm dấu hiệu viêm long đường hô hấp như xuất tiết dịch mũi, ho, khò khè, khó thở... để đưa đến cơ sở y tế để khám và can thiệp kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn