Trẻ trưởng thành hơn từ trải nghiệm làm thêm dịp hè

17:13 | 15/05/2018;
Dịp hè, không ít cha mẹ cho con đi làm thêm để con hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền. Sau những trải nghiệm lao động ngày hè, trẻ trưởng thành hơn hẳn.
minh2.jpg
Không ít cha mẹ cho con làm thêm dịp hè để con có thêm kỹ năng sống và hiểu giá trị của lao động. Ảnh minh họa

Năm ngoái, vì không muốn con chơi dài suốt mấy tháng hè, chị Phạm Huyền Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho con đi bưng bê ở nhà hàng của một người bạn. Cậu con trai 13 tuổi ban đầu không đồng ý vì sợ lạc lõng giữa môi trường toàn người lớn, thế nhưng khi nghĩ đến khoản lương 100 nghìn đồng/ngày, cậu đã nhận lời. Cậu cảm thấy phấn khởi khi mường tượng mình có thể thoải mái mua quần áo, giày dép… sau 1 tháng đi làm.

Những ngày đầu đi làm chẳng dễ dàng gì với Nhật Long (con trai chị Huyền Anh). Là một cậu bé ở nhà vốn không phải làm gì, giờ cậu phải chấp hành mọi quy định của nhà hàng từ giờ giấc đến công việc. Ngày nào cũng thế, cậu phải đến đúng giờ, làm 8 giờ/ngày. Công việc của cậu là lau dọn nhà hàng, rửa dọn cốc, phục vụ khách đồ uống… luôn chân luôn tay. Mấy hôm đầu không quen, cậu nằng nặc xin nghỉ vì quá mệt.

Thế nhưng, khi quen việc, quen với các anh chị trong nhà hàng, cậu lại cảm thấy hứng thú đi làm. Đặc biệt, khi về nhà, cậu tự nguyện giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, hào hứng pha nước chanh mời mọi người vì học được cách pha ngon. Đó là những thay đổi đầu tiên mà chị Huyền Anh nhìn thấy ở con trai.

Có hôm, Nhật Long về nhà với vẻ mặt rầu rĩ vì đã đánh vỡ mấy chiếc cốc và bị phạt bằng cách trừ vào tiền lương. Chị Huyền Anh động viên con và hiểu rằng đó là bài học mà con nhận được khi đi làm là phải cẩn thận trong mọi việc. Ở nhà, con có thể được miễn phí mọi thứ nhưng ra ngoài xã hội, con sẽ phải trả giá cho sự bất cẩn của mình.

tre-lam-them.JPG
Trải nghiệm lao động ngày hè sẽ mang lại cho trẻ nhiều lợi ích. Ảnh minh họa

Sau một thời gian đi làm, Nhật Long tâm sự với mẹ: Con sẽ phấn đấu để sau này được làm chủ nhà hàng chứ không làm việc chân tay, vừa mệt mà lương lại thấp. Cậu bé cũng nhận ra rằng, nếu không học tốt, nếu sao nhãng học tập thì sau này cơ hội cậu phải làm những công việc chân tay là rất lớn. Theo chị Huyền Anh, những lời nói lý thuyết suông của bố mẹ hàng ngày sẽ chỉ là “nước đổ lá khoai” với trẻ, thế nhưng, khi cọ sát thực tế, trẻ sẽ tự nhận ra chân lý và dễ thấm nhuần.

Ngày nhận lương từ sức lao động, từ những giọt mồ hôi, sự vất vả, Nhật Long cảm thấy rất vui và quý trọng đồng tiền hơn. Cậu thốt lên: “Đây là mùa hè tuyệt vời nhất của con từ trước đến nay”. Chị Huyền Anh cho biết, chẳng bù cho trước đây, cậu con trai hoang phí, chẳng bao giờ biết tiếc tiền của bố mẹ. Dù rất yêu quý những đồng tiền mình làm ra nhưng cậu bé đã không ngần ngại trích một phần để biếu mẹ, phần còn lại cậu chi tiêu theo kế hoạch đã định từ trước.

Chị Huyền Anh chia sẻ, khi biết tin chị cho con trai 13 tuổi đi phục vụ hè ở quán, không ít người thân lo lắng cho rằng chị làm khổ con, “bóc lột” sức lao động trẻ em, cho con kiếm tiền sớm thì dễ khiến con hư hỏng. Tuy nhiên, theo chị Huyền Anh, việc cho con đi làm sớm sẽ giúp con học được nhiều kinh nghiệm, dần dần con hình thành những kỹ năng và giá trị sống. Chỉ cần cha mẹ tìm cho con một công việc phù hợp, môi trường làm việc tốt thì việc trải nghiệm lao động ngày hè sẽ mang lại cho trẻ rất nhiều bài học bổ ích.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn