Xung quanh chúng ta có những người kiểu như:
Họ dù được khẳng định, khuyến khích, công nhận nhưng vẫn luôn phủ nhận bản thân, nghĩ rằng "mình không đủ giỏi, chỗ này không được, chỗ kia cũng không được", thường lùi bước và bỏ cuộc trước những cơ hội và thách thức.
Họ luôn ngại bày tỏ những suy nghĩ và nhu cầu thực sự của bản thân, cho rằng cảm xúc của mình không quan trọng, họ ưu tiên và phục vụ cho nhu cầu của người khác.
Họ rất quan tâm đến đánh giá của người khác, bất kỳ nhận xét tiêu cực nào cũng sẽ khiến họ rơi vào tình trạng nghi ngờ bản thân.
Những biểu hiện này cho thấy họ coi bản thân có giá trị thấp. Trong khi đó, người có ý thức mạnh mẽ về bản thân, coi mình có giá trị, quan trọng và đáng được yêu thương thường rất tự tin, có lòng tự trọng cao.
Đối với trẻ em, sự hình thành và mức độ giá trị của bản thân chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, đặc biệt có liên quan chặt chẽ đến cách nuôi dạy của cha mẹ, thái độ, cách đánh giá của họ đối với trẻ.
Trong cuộc sống, 3 hành vi phổ biến nhất của cha mẹ rất có thể sẽ nuôi dạy một đứa trẻ thiếu tự tin và giá trị bản thân thấp.
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, thái độ của cha mẹ giống như một tấm gương, để trẻ nhìn và cảm nhận mình là người như thế nào.
Trong giai đoạn quan trọng của tuổi thơ từ 0 đến 6 tuổi, trẻ rất cần sự quan tâm tích cực của cha mẹ. Nếu nhận được sự quan tâm, yêu thương và thấu hiểu của cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy mình quan trọng, có giá trị và xứng đáng được đối xử tốt.
Ngược lại, nếu cha mẹ thường phớt lờ trẻ, có thái độ thờ ơ, từ chối trẻ, ngăn cản trẻ bộc lộ cảm xúc sẽ khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ tầm quan trọng và giá trị của bản thân.
Ví dụ, nếu trẻ muốn nói với mẹ điều gì đó nhưng mẹ đang bận, người mẹ phớt lờ những lời nói của con hoặc con nói xong giả vờ như chưa nghe thấy gì. Trẻ khóc vì chuyện gì đó, cha mẹ bực mình quát lớn: "Khóc có ích gì, con còn khóc nữa thì mẹ đuổi con ra ngoài".
Nếu những điều như vậy xảy ra thường xuyên, ý thức về giá trị bản thân của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, bởi vì trẻ không nhận được đủ sự quan tâm và tôn trọng từ cha mẹ.
Người mẹ luôn không hài lòng với mọi thứ về con gái mình, thường xuyên coi thường, lúc nào cũng chê bai căn phòng bừa bộn, kết quả học tập, kế hoạch học đại học... Đây là kiểu cha mẹ lúc nào cũng đòi hỏi quá cao ở con mình. Họ hy vọng con mình có thể trở thành đứa con ngoan, tài giỏi nên không ngừng giúp con cái sửa sai, bù đắp khuyết điểm, trở thành một bản thân tốt hơn.
Suy nghĩ như vậy là dễ hiểu nhưng sợ nhất là một số bậc cha mẹ quá ám ảnh muốn con mình phải hoàn hảo, khiến họ không nhìn nhận và đánh giá đúng thực lực của trẻ, vô tình gắn điều kiện vào tình yêu của con cái.
Thường được biểu hiện dưới dạng:
Khi con làm bài thi tốt, ngoan ngoãn, đạt giải trong các cuộc thi, đạt thành tích tốt thì cha mẹ rất phấn khởi và vui mừng, khi điểm thi không đạt yêu cầu của cha mẹ, thành tích chưa tốt thì họ rất thờ ơ, mắng mỏ.
Khi đứa trẻ bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ thật của mình, cha mẹ không coi trọng điều đó mà yêu cầu đứa trẻ làm mọi việc theo mong đợi và sự sắp xếp của mình và gọi đó là "vì lợi ích của chính con".
Cách giáo dục này gửi gắm đến con cái thông điệp: "Mẹ chỉ yêu con nếu con đủ ngoan và biết nghe lời, nếu con không làm được chứng tỏ con là một đứa trẻ hư".
Một đứa trẻ như vậy lớn lên sẽ trở thành một kiểu người dù điều kiện và thành tích của bản thân có tốt đến đâu, chúng vẫn cảm thấy mình không đủ tốt, không thể ngừng đòi hỏi bản thân, thường lo lắng, không thể có một cuộc sống thoải mái và hạnh phúc.
Có một cư dân mạng kể lại rằng: "Từ nhỏ tới lớn lúc nào tôi cũng bị mẹ cự tuyệt, phớt lờ. Mặc dù trong mắt người khác tôi là người rất xuất sắc nhưng chưa bao giờ tôi nhận được sự công nhận từ mẹ mình. Lúc nào tôi cũng có cảm giác yếu kém hơn người khác".
Đối với một người trưởng thành, tác động của đánh giá và thái độ của người khác đối với sự tự nhận thức của một người rất hạn chế. Thế nhưng, trẻ em lại khác, sự đánh giá và thái độ của những người xung quanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức độ giá trị bản thân của chúng, đặc biệt là cha mẹ và giáo viên "những người quan trọng khác". Sự đánh giá và thái độ của họ, nó trực tiếp quy định mức độ giá trị bản thân của đứa trẻ.
Do đó, nếu một đứa trẻ sống trong sự phủ nhận và tấn công của cha mẹ trong một thời gian dài trong thời thơ ấu, chúng sẽ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tự đánh giá thấp bản thân, cảm thấy không quan trọng và không được yêu thương, dễ rơi vào trầm cảm và khép kín.
Nếu muốn nuôi dạy một đứa trẻ tích cực, lạc quan, tự tin, cha mẹ phải tránh cách giáo dục ngược đãi và không phủ nhận những cố gắng của trẻ.
Phủ định và đánh đập sẽ chỉ làm cho trẻ mất niềm tin vào bản thân và tương lai, còn sự động viên và giúp đỡ sẽ khiến trẻ nhìn thấy hy vọng và tìm ra những giải pháp thiết thực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn