Trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam gấp 10 lần các nước phát triển

18:13 | 09/11/2018;
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 2.000 trẻ bị tử vong do đuối nước. Hầu hết trẻ em bị đuối nước tại gia đình và nơi công cộng.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hôm nay (9/11).

duoi_nuoc_2_liaj.jpg
Việt Nam có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. (Ảnh minh họa)

 

Theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB-XH, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam.

 

Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015 có khoảng có khoảng 3000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2016, số trẻ em tử vong do đuối nước khoảng 2.110 em.

 

Năm 2017, tổng hợp chưa đầy đủ số liệu báo cáo của các địa phương đã có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 em bị tử vong do đuối nước, con số này cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

 

Tử vong do đuối nước ở trẻ em chủ yếu xảy ra tại nơi cộng đồng và gia đình. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao tập trung tại các vùng nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn.

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

 

Theo BS Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), tại các nước phát triển như Úc, Newzealand, trẻ biết bơi trước khi biết đi, thì tại Việt Nam tỷ lệ trẻ em biết bơi, đặc biệt là bơi cứu đuối, tự cấp cứu còn rất thấp. 

vov_duoi_nuoc__czng.jpg
Nguyên phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Nguyễn Trọng An tỏ ra lo ngại về tình trạng đuối nước tại Việt Nam.

 

Trong khi đó, môi trường sống với trẻ em lại chưa thực sự an toàn. Môi trường sống của trẻ có nhiều ao hồ, mương, kênh, rạch, đập tràn, sông suối, nhiều bể bơi, bể nước, hố đào của các công trình đang xây dựng, ao hồ không có rào chắn, biển báo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước với trẻ em. Hoặc đơn giản như các dụng cụ chứa nước trong gia đình như chum, vại lớn cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

 

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 2.300 bến khách ngang sông, dọc tuyến với hơn 5.000 phương tiện hoạt động vận chuyển khoảng hơn 80 triệu lượt hành khách hàng năm, chiếm hơn 20% tổng vận tải hành khách của cả ngành giao thông.

 

Luật Giao thông đường thủy nội địa được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, tuy nhiên, việc thực thi Luật trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập như vẫn có người điều khiển phương tiện ở một số bến chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn; chất lượng phương tiện giao thông đường thủy không được đảm bảo, thiếu thiết bị an toàn nhất là phao cứu sinh; chở quá tải theo quy định, việc sử dụng áo phao cho người tham gia giao thông đường thuỷ nội địa, nhất là trẻ em còn chiếm tỷ lệ rất thấp… đặc biệt hay gặp ở một số phương tiện chở  khách ngang sông (đò ngang).

 

Bên cạnh đó, việc quản lý, điều hành hoạt động của bến khách ngang sông của chính quyền ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Cũng theo ông Nguyễn Trọng An, nghèo đói cũng được coi là một yếu tố nguy cơ cao gây ra đuối nước ở trẻ em. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho biết, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước tại vùng nông thôn, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn cao hơn hẳn so với các địa phương phát triển do bố mẹ thường đi làm ăn xa, thiếu sự giám sát của người lớn, trẻ không có điều kiện để được học bơi.

 

Nhận định thêm về công tác phòng chống đuối nước trẻ em hiện nay, ông Nguyễn trọng An cho rằng, dù đã có nhiều chương trình truyền thông quốc gia, can thiệp hỗ trợ cộng đồng được triển khai, nhưng con số trẻ em đuối nước vẫn rất cao.

 

“Chúng ta đã có rất nhiều giải pháp, nhưng tại sao trẻ em vẫn phải đối mặt với những nguy hiểm như vậy. Vấn đề là nhận thức của các cấp lãnh đạo và sự hạn hẹp về kinh phí.

 

Dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất  để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Tôi mong rằng các em từ 6-16 tuổi nên được dạy học bơi thay vì tập thể dục hai- một như hiện nay.

 

Bộ GD-ĐT thời gian qua đã có công văn gửi các địa phương, tùy vào tình hình thực tế để tổ chức các khóa học bơi, kỹ năng an toàn cho trẻ bằng kinh phí địa phương để phổ cập bơi cho trẻ từ 6-12 tuổi.

 

Tại các địa phương có điều kiện việc này được triển khai khá tốt, song với các tỉnh còn nhiều khó khăn việc này chưa được triển khai rộng rãi. Trong trường hợp thiếu kinh phí, tôi cho rằng vẫn nên xã hội hóa, kêu gọi các nguồn tài trợ từ bên ngoài”, ông Nguyễn Trọng An cho biết. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn