Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), mới đây đã chia sẻ trường hợp chị Nguyễn Thanh Xuân đưa con hơn 4 tuổi đến khám vì thiếu sắt do bé uống 1,5 lít sữa tươi mỗi ngày. “Đây là ca bệnh tôi đã điều trị thất bại”, bác sĩ Sang nói.
Trước đó, khi đưa con đến khám, ngoài cho biết mỗi ngày con uống 1,5 lít sữa tươi, chị Xuân còn tiết lộ con mình không có khả năng ăn thô và hoàn toàn không biết nhai. Mọi thức ăn chị đều xay nhuyễn như soup bé mới ăn, nhưng chỉ cần lợn cợn một xíu là con ói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, trẻ 2 tuổi trở lên cần được ăn thực phẩm đa dạng, sữa chỉ nên bổ sung dưới 500ml/ngày. Ảnh minh họa.
Trong lần khám này, bác sĩ Sang kê đơn bổ sung sắt liều cao cho bệnh nhi, tư vấn cho người mẹ giảm sữa xuống còn 500ml/ngày, phải kỷ luật bàn ăn với con và bổ sung đa dạng các thực phẩm đầy đủ dưỡng chất. Sau đó, suốt 6 tháng liền, bác sĩ Sang kết nối với chị Xuân để tư vấn, theo dõi cách chăm bệnh nhi như thế nào.
Mới đây, chị lại đưa con đến gặp bác sĩ, cũng vì nguyên nhân thiếu sắt. Vừa gặp bệnh nhi, bác sĩ Sang nghi ngờ và hỏi người mẹ đã thật sự kỷ luật bàn ăn với con chưa. Chị Xuân khăng khăng: “Tôi có làm theo hướng dẫn của bác sĩ rồi”.
May mắn, lần này có chồng chị Xuân đi cùng. Được bác sĩ Sang hỏi, anh nói: “Tôi muốn gặp bác sĩ vì hơn nửa năm nay, vợ tôi biết con uống sữa tươi nhiều gây thiếu máu, thiếu sắt nhưng cô ấy nghĩ, con đã uống thuốc sắt rồi nên vẫn cho uống 6-7 hộp sữa tươi/ngày”.
Chồng chị Xuân còn kể, vì bé không nhai và ăn thô được nên cô giáo không thể cho bé ăn ở lớp. Khi nghe giáo viên nhắc về việc ăn của con, người mẹ yêu cầu cô giáo "bé không ăn được thì cho uống sữa". Không được cô giáo đồng ý, người mẹ đã gây sự và đòi chuyển trường cho con.
Sau khi hỏi kỹ thông tin và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ Sang chẩn đoán bệnh nhi bị thiếu sắt nên ngoài kê thuốc sắt, anh còn dặn chị Xuân cần giảm ngay sữa cho con xuống 500ml/ngày, tập cho bé ăn thô (ban đầu là cơm nát, tăng dần lên cơm nguyên hạt…), xổ giun và bổ sung vitamin D3 mỗi ngày cho con. “Chỉ cần 2 ngày giảm sữa xuống 500ml/ngày, sức ăn của trẻ sẽ tăng rõ. Nếu cha mẹ không thay đổi cách cho con ăn, bác sĩ không thể giúp được gì cả”, bác sĩ Sang khuyên.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng từng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi 3 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt vì uống nhiều sữa tươi. Ảnh: BVCC.
Theo bác sĩ Sang, sữa là thực phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, sau 12 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ phải từ ăn uống, còn sữa mẹ, sữa công thức hay sữa tươi… thì tổng cộng không quá 500ml/ngày. “Trẻ uống tới 1.200ml - 1.500ml sữa/ngày thì chắc chắn sẽ không thèm ăn, không hợp tác khi mẹ đút ăn. Và khi trẻ không đói sẽ chắc chắn không cảm nhận được bữa ăn mẹ nấu ngon như thế nào thì làm sao có hứng thú ăn uống. Lúc này, nếu ép con ăn sẽ càng khiến trẻ stress và áp lực rồi sinh ra sợ hãi, tránh né khi đến bữa”, bác sĩ Sang chia sẻ.
Hơn nữa, khi con 12 tháng tuổi, cha mẹ cần cho trẻ bắt đầu ngồi vào bàn ăn cùng người lớn, tập ăn những món thô để rèn phản xạ cầm nắm, xử lý thức ăn thô. Việc này giúp trẻ gắn kết cùng gia đình, không bị lan man vào thiết bị điện tử… Ở trường hợp em bé trên, vì có tâm lý sợ không dám ăn thô nên hệ quả hơn 4 tuổi trẻ vẫn chưa ăn được cơm.
Nhiều cha mẹ hiện nay lạm dụng sữa, lạm dụng thuốc hỗ trợ cho con… mà ít chú ý tới việc giúp trẻ phát triển cân nặng hay tâm sinh lý một cách tự nhiên và khoa học nhất. “Chưa bao giờ lạm dụng một cái gì đó là tốt cả. Con nít đơn giản lắm, các bé chỉ ăn, chơi và ngủ. Khi việc ăn và ngủ của trẻ không ổn, đầu tiên ba mẹ nên xem lại là mình đã sai ở điểm nào và sửa" bác sĩ Sang khuyến cáo.
Theo bác sĩ Sang, biểu hiện của trẻ thiếu sắt là: Da xanh xao nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân, vành tai, mí mắt; niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi. Lông, tóc, móng của trẻ khô, dễ gãy. Trẻ mệt mỏi, chậm chạp, hay buồn ngủ, ít tập trung, ít đùa nghịch, hay cáu gắt, chán ăn. Khi thấy trẻ có điều gì bất ổn hay có các biểu hiện này, cha mẹ cần đưa con đi khám để sớm được điều trị.
Bàn tay của một em bé bị thiếu sắt do uống nhiều sữa tươi mà bác sĩ Nguyễn Thanh Sang từng điều trị. Ảnh: BSCC.
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), sữa tươi luôn được cha mẹ cho trẻ dùng hàng ngày, vì mùi vị hấp dẫn, tiện lợi, đặc biệt chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng hiệu quả. Hiện nay, trên thị trường có 3 loại sữa tươi là sữa vắt trực tiếp, sữa thanh trùng và tiệt trùng.
Bác sĩ Hậu khuyến cáo, cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống sữa thanh trùng, tiệt trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên uống sữa bò vắt trực tiếp vì không đảm bảo sạch vi khuẩn, có nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa. Nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc cao nhất là với các cơ sở chăn nuôi vắt thủ công, quy trình vắt không sạch, chuồng trại không đúng tiêu chuẩn, bảo quản và vận chuyển không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, trong sữa tươi có hàm lượng đạm, caxi và phố pho cao nhưng lại có ít sắt, nghèo vi lượng, vì vậy, nếu cha mẹ sử dụng sữa tươi làm thức ăn chính cho con mà không bổ sung các thực phẩm khác sẽ dễ làm trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vi lượng, bị đầy bụng, khó tiêu, chán ăn và béo phì…
“Lưu ý về số lượng sữa cho con rất quan trọng. Nhưng hiện có nhiều cha mẹ cứ nghĩ sữa tốt cho sức khỏe, nhất là chiều cao của con nên cứ cố “ép” con uống càng nhiều càng tốt. Nếu uống quá nhiều sữa, trẻ sẽ dễ béo phì, hoặc trẻ không được rèn luyện thói quen nhai, lâu dài kén ăn các thức ăn đặc dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất xơ gây táo bón, phát triển không cân đối”, bác sĩ Hậu khuyến cáo.
* Tên người mẹ đã được thay đổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn