Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, tri thức dân gian "Tri thức may, mặc áo dài Huế" thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Đây chính là thành quả của công tác triển khai Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam" với mực tiêu bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài", Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài Đàng Trong mà vạt được xẻ thành tà áo.
Áo dài Huế hình thành từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình.
Chiếc áo dài Huế được thêu may tinh tế và sắc sảo bởi đôi bàn tay khéo léo của những con người xứ Huế từ lâu đã trở thành một món quà lưu niệm văn hóa, tinh thần độc đáo không thể thiếu cho những ai mỗi khi đến Huế.
Ngày nay, việc mặc áo dài đã phổ biến trở lại, gắn bó với đời thường và trong các dịp lễ, Tết của người Huế. Hình ảnh áo dài Huế còn được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng của miền núi Ngự, sông Hương.
Trong các kỳ Festival Huế, không thể không nhắc đến Lễ hội áo dài - một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế đã góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội. Đến với lễ hội áo dài, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng. Ở đó, tà áo dài của người phụ nữ Huế nói riêng và áo dài Việt Nam nói chung, từ quốc phục được biến hóa qua bàn tay tài năng của người nghệ sĩ để trở thành những bộ sưu tập mang dáng vẻ cổ kính đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo ông Phan Thanh Hải, hiện nay, áo dài Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Những chiếc áo dài được cắt may, thêu thùa tinh tế và sắc sảo bởi đôi tay tài hoa của người thợ xứ Huế đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy một nét văn hóa đặc sắc, quý giá của dân tộc.
Việc công nhận này là điều kiện, cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ "Tri thức may và mặc áo dài Huế" nhằm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ "Tri thức may và mặc áo dài Huế" để đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn