Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10: Bài 1 - Nhiều trường bối rối

14:03 | 28/03/2022;
Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 trên toàn quốc sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới, được xây dựng theo hướng phân hóa cao, định hướng phát triển nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, những điểm mới của chương trình học này đang khiến nhiều trường bối rối.
Có đáp ứng hàng chục lựa chọn của học sinh?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phê duyệt và triển khai theo hình thức cuốn chiếu, sắp sang năm thứ ba. Hiện các lớp 1, 2 ở bậc tiểu học và lớp 6 ở bậc THCS đang thực hiện chương trình mới. Năm học 2022-2023 sẽ triển khai tiếp ở các lớp 3 (tiểu học) lớp 7 (THCS) và lớp 10 (THPT). Ở cấp THPT, chương trình đặt mục tiêu tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp, xem đây là một bước chuyển tiếp để học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể lựa chọn, theo đuổi tiếp những ngành học gần với nghề nghiệp tương lai.

Thay vì học 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT sẽ bao gồm các môn học bắt buộc (quy định cứng), các môn học tự chọn và các môn học được lựa chọn (phải chọn 5 trong số 9 môn của 3 nhóm môn học, mỗi nhóm, chọn ít nhất 1 môn). Có 7 môn học, hoạt động bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Các môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Và ba nhóm môn học để lựa chọn gồm: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Riêng môn Nghệ thuật gồm hai phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì học sinh được chọn 1 trong 2 phân môn (tính là 1 môn). Như vậy, với chương trình lớp 10 mới, học sinh vẫn bắt buộc phải học 12 môn học (7 môn, hoạt động quy định cứng và 5 môn được lựa chọn). Bên cạnh đó có thêm 2 môn tự chọn.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10:  Nhiều trường bối rối (bài 1) - Ảnh 1.

Giáo viên tham gia tập huấn về chương trình giáo dục mới Ảnh: Hà Lê

Nếu hướng đến mục tiêu xây dựng các tổ hợp môn học đáp ứng nhu cầu người học thì trong hoàn cảnh hiện nay, hầu hết trường THPT sẽ gặp khó khăn. Cụ thể là khó khăn về cơ sở vật chất, phòng học, về giáo viên… Vì với nguyên tắc xây dựng các tổ hợp từ các nhóm môn ở trên, sẽ có hàng chục tổ hợp môn học có thể là lựa chọn của người học. Ví dụ chỉ với phương án lựa chọn 2 môn của nhóm Khoa học tự nhiên, 2 môn nhóm Khoa học xã hội và 1 môn nhóm Công nghệ-Nghệ thuật cùng với 7 môn học bắt buộc, đã có thể chia ra 27 tổ hợp môn học khác nhau. Nếu tính toán hết các phương án lựa chọn môn học thì có thể sẽ có hàng chục tổ hợp khác.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10:  Bài 1 - Nhiều trường bối rối  - Ảnh 2.

Giáo viên tham gia tập huấn về chương trình giáo dục mới. Ảnh: Hà Lê

Nhiều điều chưa rõ

"Khi thực hiện theo chương trình THPT phân ban (chương trình hiện hành) trong nhiều năm qua, phần lớn học sinh lớp 10 chọn ban Khoa học tự nhiên. Rất ít học sinh chọn Khoa học xã hội. Tới đây khi triển khai chương trình mới, chúng tôi không biết sẽ bố trí tổ hợp môn học thế nào. Nếu 70%-80% số học sinh đăng ký các tổ hợp có môn học tự nhiên thì trường có được xếp số lớp chọn nhóm môn học tự nhiên nhiều hơn các nhóm khác không, hay phải tính toán để cân bằng số lớp tương tứng với các tổ hợp môn học cho học sinh lựa chọn?"- một hiệu trưởng THPT ở Hà Nội băn khoăn.

Cô Nguyễn Hằng Nga, tổ trưởng chuyên môn của một trường THPT ở Hải Phòng, nêu vấn đề: "Nếu có những tổ hợp chỉ có 5-7 học sinh lựa chọn thì có mở riêng một lớp không? Chúng tôi rất cần được hướng dẫn cụ thể để có đề xuất với ban giám hiệu xây dựng kế hoạch tổng thể của trường".

Tại Nam Định, Hà Nam, nhiều hiệu trưởng cũng chung các mối băn khoăn khi hình dung có những nhóm môn học nhiều học sinh chọn, trường rơi vào cảnh thiếu giáo viên, thiếu phòng học. Thầy Phạm Văn Châu, Hiệu trưởng trường THPT Xuân Trường A (Nam Định) lo lắng khi học sinh lớp 10 các năm gần đây đều chủ yếu chọn ban A (theo chương trình cũ). Khi thực hiện chương trình mới, có thể nhiều học sinh vẫn lựa chọn các tổ hợp môn học Khoa học tự nhiên (phù hợp với các môn học ở ban A). Giáo viên các môn tự nhiên sẽ thiếu, còn với các môn xã hội, liệu có dẫn đến tình trạng giáo viên thiếu việc làm vì không có học sinh lựa chọn?".

Nỗi lo thừa và thiếu giáo viên

Chuyện "thừa giáo viên cục bộ" ở một số trường do học sinh "chọn lệch" tổ hợp môn học là nỗi lo của giáo viên nhiều địa phương. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, khối THPT trên cả nước hiện thừa hàng trăm giáo viên nhưng cũng thiếu đến trên 11.000 giáo viên. Khi tổ chức dạy học với các tổ hợp môn, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng một trường đa số học sinh chọn các môn học trong nhóm Khoa học tự nhiên hoặc ngược lại. Nếu không khéo bố trí, chẳng những trường không đáp ứng được nhu cầu lựa chọn của số đông học sinh mà còn làm gia tăng tình trạng thừa hoặc thiếu giáo viên. Điều này khiến nhiều giáo viên lo lắng.

Bên cạnh đó, Nghệ thuật là một trong những môn học mới ở chương trình Giáo dục phổ thông mới cấp THPT. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, 2.800 trường THPT trên cả nước đều chưa có giáo viên dạy môn Nghệ thuật. Căn cứ vào chỉ tiêu mỗi trường cần 1 giáo viên Nghệ thuật thì cả nước thiếu hàng nghìn giáo viên môn này.

Thiếu giáo viên, cũng đồng nghĩa với việc các trường không có điều kiện tổ chức nhóm môn học Công nghệ-Nghệ thuật để học sinh chọn lựa. Và những học sinh muốn theo đuổi ngành Mỹ thuật, Âm nhac sau khi học xong chương trình THPT không có cơ hội lựa chọn môn học tương ứng ở bậc THPT.

Bài sau: Xây dựng nhóm môn học dựa trên điều kiện hiện có

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn