Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10: Xây dựng nhóm môn học dựa trên điều kiện hiện có

09:00 | 30/03/2022;
Trả lời về những băn khoăn khi không đảm bảo điều kiện để tổ chức nhiều tổ hợp môn học khi triển khai chương trình mới ở lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, các trường không phải chạy theo nhu cầu mà chỉ xây dựng các nhóm môn học dựa trên điều kiện đang có.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Chương trình giáo dục phổ thông thiết kế để có thể áp dụng nhiều tổ hợp môn học, tương ứng với nhu cầu của học sinh. Nhưng không có nghĩa các trường phải đáp ứng tất cả nhu cầu lựa chọn của học sinh, mà chỉ thiết kế kế hoạch dựa trên điều kiện đang có hoặc có thể để kịp chuẩn bị trước khi năm học mới diễn ra.

Theo đó, dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, cơ cấu đội ngũ giáo viên, mỗi nhà trường sẽ có một kế hoạch giáo dục riêng, trong đó sẽ xây dựng các tổ hợp môn học khác nhau phù hợp với điều kiện của mình để học sinh lựa chọn.

Bộ GD&ĐT cho rằng các địa phương cần chỉ đạo các nhà trường chủ động rà soát điều kiện, thăm dò nhu cầu học sinh để thiết kế số tổ hợp tương ứng với số lớp. "Thay vì chờ học sinh đăng ký mới xếp tổ hợp môn, xếp lớp thì các trường cần tăng cường vai trò tư vấn, cung cấp thông tin để định hướng", một chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết.

Như vậy trên thực tế, những học sinh lựa chọn nhóm môn học ít người học quá có thể không được đáp ứng. Ví dụ dưới 10 học sinh/lớp thì nhiều trường sẽ không thể mở riêng 1 lớp cho những học sinh này. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ giao chủ động cho các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, nên nếu khả năng đáp ứng nhu cầu người học đến đâu, các trường sẽ được chủ động sắp xếp đến đó. Trường hợp có dưới 10 học sinh chọn những nhóm môn học "hiếm" như Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân… nhưng trường đáp ứng được thì vẫn có thể mở lớp.

Cũng theo ông Thành, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng chọn môn học sau 1 năm học. Tuy nhiên khi đăng ký nhóm môn học mới, nhà trường và học sinh phải bố trí để học sinh học bổ sung kiến thức đã học trước đó của các môn học mới đăng ký. Ví dụ sau năm lớp10, một học sinh thay đổi, muốn chọn thêm môn Lịch sử khi bước vào lớp 11 thì học sinh đó sẽ phải học bổ sung kiến thức của môn Lịch sử lớp 10.

Đây là một điều kiện khó khăn cho cả nhà trường và người học, nên trên thực tế sẽ ít có những trường hợp muốn thay đổi, trừ những học sinh có thiên hướng với môn học đặc biệt như Nghệ thuật để phục vụ việc chọn nghề sau này.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10: Xây dựng nhóm môn học dựa trên điều kiện hiện có - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều trường đang khởi động

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết đã phải bắt tay vào việc chuẩn bị dạy học theo chương trình mới ngay sau Tết Nguyên đán. "Chủ động mời chuyên gia về trường trao đổi trực tiếp với ban giám hiệu và các thầy cô giáo. Để thiết kế kế hoạch giáo dục, trường chúng tôi phải lấy ý kiến, nội dung do giáo viên xây dựng, được bàn thảo thống nhất ở trong các tổ chuyên môn. Ngoài việc sắp xếp tổ hợp môn học để đáp ứng nhu cầu chọn lựa của học sinh lớp 10 năm tới, chúng tôi phải chuẩn bị để đội ngũ có thể đáp ứng", cô Nhiếp cho biết.

Thầy Trần Xuân Trà, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định), cho biết, dù còn nhiều điểm băn khoăn nhưng do thời gian tuyển sinh sắp đến nên trường đã tạm thiết kế 3 phương án chọn lựa môn học. Các phương án này phù hợp với điều kiện có của trường và sẽ được công bố công khai để phụ huynh, học sinh biết trước thời điểm học sinh đăng ký nguyện vọng vào.

Hiện chưa nhiều trường khởi động cho việc chuẩn bị này. Tâm lý chờ hướng dẫn vẫn phổ biến. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số hiệu trưởng ở Hà Nội thì về cơ bản nếu được chủ động, họ cũng sẽ chỉ có một số tổ hợp gần với lựa chọn truyền thống.

Rất ít trường có thể đáp ứng việc dạy môn Nghệ thuật, một môn học mới. Lý do căn bản là không có giáo viên. Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết cũng có phương án hợp đồng giáo viên dạy môn Nghệ thuật để có thể đáp ứng nhu cầu của học sinh. Nhưng việc này đang vướng về cơ chế, kinh phí, hơn nữa mở lớp cho nhóm "hẹp" này thì liệu có học sinh học không?

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tùy theo mỗi địa phương có thể có những giải pháp linh hoạt như cho phép giáo viên nghệ thuật trong một địa bàn quận, huyện, hay cụm trường được tham gia dạy ở nhiều trường. Ngoài ra, có thể các địa phương tạo cơ chế để luân chuyển giáo viên của cấp THCS lên dạy ở THPT, hoặc kiêm nhiệm dạy cả 2 cấp. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT hiện nay giáo viên dạy Nghệ thuật ở cấp THCS cơ bản là đủ. Trong tổng số 10.939 trường THCS trên cả nước thì có 11.424 giáo viên Âm nhạc và 11.178 giáo viên Mỹ thuật. Đây là lực lượng có thể bổ sung cho cấp THPT trong năm học tới.

Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải tính toán để tăng cường đào tạo giáo viên các môn học mới, môn còn thiếu để có nguồn tuyển cho các địa phương. Vì theo nhiều giám đốc sở, không chỉ khó khăn do không định biên mà cả khi có định biên thì cũng không có nguồn tuyển. Một số nơi cố thu xếp có giáo viên nhưng phải tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau, không đồng nhất về trình độ, bằng cấp và một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Khi triển khai đổi mới chương trình-sách giáo khoa lần này, Chính phủ đã phê duyệt các đề án tăng cường cơ sở vật chất trường học và tăng cường bổ sung đội ngũ giáo viên - đây được xem là điều kiện cần để triển khai chương trình. Tuy nhiên, chương trình được phê duyệt từ năm 2018 mà tới nay việc chuẩn bị điều kiện thực hiện vẫn bề bộn, khó khăn, một phần do các đề án không được triển khai rốt ráo, hiệu quả. Nhiều địa phương không thực sự coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu", kinh phí dành cho giáo dục hạn hẹp. Bộ GD&ĐT thiếu một chiến lược tổng thể để có thể có giải pháp khắc phục khó khăn. Nhưng với tiến độ triển khai chương trình mới như hiện nay thì Bộ GD&ĐT và các địa phương không còn cách nào khác vẫn phải "vừa chạy vừa xếp hàng".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn