Tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi, đoàn ĐQBH tỉnh Thanh Hóa, đánh giá cao việc Chính phủ đã rất nhanh chóng có gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng. Ý tưởng thực hiện gói an sinh này là rất tốt, mong muốn là thực hiện và xử lý được ngay.
Theo ông Lợi, Chính phủ cũng mong muốn tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động bị "sụt giảm sâu thu nhập" – nghĩa là những người không đạt được mức lương tối thiểu vùng, hoặc không đạt được mức lương cơ sở 1,6 triệu đồng, thì cần phải hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong "quá trình triển khai thực hiện có vấn đề. Hiện nay gói cứu trợ này chưa chi được quá 50%; việc thực hiện là rất khó khăn".
Theo ông Lợi, "giải cứu" là hỗ trợ cấp bách cho người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 ở thời điểm tháng 3, 4, 5. Nhưng đến thời điểm này (sang tháng 6) vẫn chưa xử lý được. Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích, về vĩ mô có một vấn đề cũng cần phải tính nhưng vấn đề chỉ đạo điều hành cũng cần phải rút kinh nghiệm; đặc biệt là "chúng ta phải xem lại đối tượng cận nghèo" được hưởng hỗ trợ từ gói an sinh này.
Qua khảo sát thực tế ở địa phương tỉnh Thanh Hóa, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: những vấn đề nảy sinh trong quá trình chi trả chủ yếu nằm ở đối tượng cận nghèo. Các xã ven biển đang hưởng chính sách bãi ngang ven biển, tất cả những người ở nơi đó không còn là hộ nghèo nữa thì số đó được "ốp" vào đối tượng cận nghèo, cho nên dẫn đế chuyện "tố nhau". Ông Lợi cho rằng, địa phương nào gắn với ven biển đều bị vướng vấn đề này.
Ông cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ an sinh dành cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là chính sách rất tốt. Nhưng trong quá trình chỉ đạo thực hiện cần phải rút ra những kinh nghiệm để có tính toán và thực hiện tốt hơn.
Cũng đồng tình và đánh giá cao về ý nghĩa của gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn ĐQBH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH. Đặc biệt người đứng đầu ngành lao động nhiều lần phát biểu mạnh mẽ và quán triệt tinh thần "cố gắng đưa được gói hỗ trợ người dân được đúng người, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và cố gắng không có sai phạm".
Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Hoa, trong 6 tháng tới chúng ta tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân khó khăn từ gói 62.000 tỷ đồng. Những nhóm đối tượng đã và đang thực hiện được, nhưng đại biểu Mai Hoa cho rằng "chặng tiếp theo mới là khó khăn để làm sao triển khai gói 62.000 tỷ đồng này hợp lý nhất, hiệu quả nhất và đặc biệt không xảy ra sai phạm, không để mất cán bộ - là điều cần phải tính tới", đại biểu Hoa nhấn mạnh.
Về vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Công tác triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai tích cực khắp cả nước.
Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Nhiều địa phương đã hỗ trợ mở rộng hơn so với Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Cho đến nay, về cơ bản, các đối tượng chính sách, người có công đều đã nhận được hỗ trợ.
"Nhóm đối tượng là công nhân mất việc làm, tạm nghỉ việc cũng đang được các cơ quan chức năng, địa phương hoàn tất các thủ tục để triển khai hỗ trợ", ông Mai Tiến Dũng nói.
Tại cuộc họp này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai, cá biệt có vài địa phương lập danh sách sai lệch, vi phạm.
Các vi phạm đã được kiểm tra đã sớm phát hiện và xử lý, như vụ việc ở xã Thiệu Thành, Thanh Hoá, đã phải dừng Đại hội Đảng bộ xã, không tái cử Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc không được vào danh sách Ban chấp hành Đảng bộ.
UBND tỉnh Hoà Bình cũng đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Sơn đình chỉ công tác với công chức lao động-thương binh xã Quý Hoà…
Video các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn