Theo đó, Kế hoạch được ban hành với mục đích triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 7/12/2020.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng thời, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với việc thanh niên tham gia thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.
Nội dung Kế hoạch sẽ tập trung triển khai các hoạt động rà soát, bổ sung các chính sách, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến đối tượng và dịch vụ cơ bản của chương trình. Cùng với đó, triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông vận động, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, phát triển mạng lưới dịch vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới và xã hội hóa để tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng của chương trình.
Cụ thể, để hoàn thiện, phát triển mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh, kế hoạch tập trung vào một số hoạt động cụ thể như: Nâng cấp trang thiết bị 3 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực đủ khả năng tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ngang tầm ASEAN vào năm 2024; đầu tư mới 2 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực tại miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên vào năm 2022.
Cũng trong năm 2022, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho 5 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực hiện có (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Trường Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ).
Đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở sàng lọc đặt tại 30 bệnh viện phụ sản, bệnh viện sản nhi, khoa sản/nhi của bệnh viện đa khoa tỉnh để thực hiện cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh theo nội dung Dự án đầu tư công của Bộ Y tế vào năm 2022.
Xây dựng triển khai thử nghiệm mô hình can thiệp và giảm tỷ lệ kết hôn cận huyết thống tại một số địa bàn và đối tượng đặc thù; mô hình lồng ghép nội dung về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trong hệ thống giáo lý, giáo luật của nhà thờ công giáo và các tổ chức tôn giáo khác; mô hình kết nối y tế khu công nghiệp, khu kinh tế với cơ sở khám chữa bệnh trong cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sơ sinh.
Mô hình sàng lọc, quản lý sau sàng lọc cho gia đình có người mắc bệnh tật bẩm sinh - di truyền; mô hình hỗ trợ vận chuyển mẫu xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sơ sinh liên tuyến xã - huyện - tỉnh tại những địa bàn khó tiếp cận; mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ của chương trình.
Về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kế hoạch trọng tâm tổ chức đào tạo nhóm chuyên gia thực hiện kỹ thuật mới về sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh cho 3 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ngang tầm khu vực ASEAN và 2 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực đầu tư mới vào vào năm 2026.
Tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới về sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh và công nghệ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho 30 bệnh viện phụ sản, bệnh viện sản nhi, khoa sản/nhi của bệnh viện đa khoa tỉnh; tổ chức các khóa đào tạo cho người cung cấp dịch vụ sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc các cơ sở y tế ngoài công lập định kỳ mỗi năm 2 lần…
Tổng ngân sách của Bộ Y tế dự kiến giai đoạn 2021-2025: Tổng số 691.051 triệu đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn