Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 17/5/2023 đến hết tháng 8/2023 và sẽ được tổ chức trưng bày tại một số địa phương trong thời gian tới.
Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và 2 năm thực hiện Kết luận số 01- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đây là năm thứ 11 Triển lãm được tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Với hơn 200 hình ảnh, tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm "Những tấm gương bình dị và cao quý năm 2023" giới thiệu tới người xem 133 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 62 tập thể và 71 cá nhân được Ban tổ chức lựa chọn từ gần 600 tấm gương đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy khối các Cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng Cục chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh.
Một số tấm gương tiêu biểu như: Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương (sinh năm 1983), Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Chị là 1 trong số 133 tấm gương điển hình tiên tiến được lựa chọn giới thiệu trong triển lãm.
Đó là tấm gương thầy giáo Nguyễn Như Diệp ở Bình Thuận. Thầy không chỉ tận tụy, tâm huyết với nghề giáo mà còn có tấm lòng nhân đạo, tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội.
Hay tấm gương về nghị lực và tấm lòng người thương binh Nguyễn Hồng Yên ở Anh Sơn, Nghệ An. Mặc dù bỏ lại chiến trường đôi chân và 91% sức khỏe, mang trên người nhiều vết thương nhưng trong cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn khắc khi lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", gắng gượng để làm ăn, sản xuất giỏi và thường xuyên chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.
Đó là tấm gương về bác sĩ Sùng A Vang - người con của Bản Mù ở Yên Bái - là người giỏi chuyên môn, hết lòng vì bệnh nhân; luôn gương mẫu, giúp đỡ các đồng nghiệp, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua…
"Có thể nói, mỗi hình ảnh và bài viết của Triển lãm là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức hiến dâng tát cả vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và phồn vinh và phát triển của đất nước", TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết.
Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" là sự kiện quan trọng góp phần vào việc cổ vũ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh… góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nội dung Triển lãm gồm 2 phần:
- Phần I: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta.
Nội dung phần này khẳng định việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát động ngay sau khi Người qua đời với phong trào thi đua "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Trong phong trào thi đua đó, hàng ngàn tập thể và cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.
- Phần II: Những tấm gương bình dị mà cao quý.
Các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của phần này giới thiệu tới công chúng những câu chuyện về 133 tổ chức và cá nhân tiêu biểu của các ngành, các cấp. Đây là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, quốc phòng và an ninh. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, quả cảm... để chúng ta học tập và noi theo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn