Với các trường đại học hàng đầu thế giới, STEM luôn là khối ngành hút sinh viên, có điểm đầu vào thuộc mức "khủng". Theo dự báo của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, khối ngành STEM mang tới nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai với mức lương hứa hẹn cho sinh viên tốt nghiệp. Các môn học thuộc khối ngành này trải rộng trên nhiều ngành. Điều này có nghĩa sinh viên sẽ có nhiều ngành học để lựa chọn.
Một số ngành STEM "hot" tại Mỹ gồm: Kỹ thuật, Sinh học, Hóa học, Khoa học máy tính, Kỹ sư, Khoa học ứng dụng, Công nghệ Thông tin, Toán học, Vật lý... Mỗi ngành học trên lại bao gồm những chuyên ngành nhỏ, dẫn đến những cơ hội và lộ trình sự nghiệp khác nhau. Ví dụ, ngành khoa học ứng dụng bao gồm các chuyên ngành: hàng không, quản lý khẩn cấp, quản lý dịch vụ ăn uống, công nghệ thông tin đồ họa, khoa học sức khỏe, phát triển internet và web, phòng thí nghiệm khoa học y tế, quản lý hoạt động...
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, chiếm khoảng 10% số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN. Nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo. Như vậy, dù muốn hay không, cách mạng công nghiệp 4.0 với những đặc trưng là bắt nguồn từ công nghệ, đang thực sự diễn ra với cả cơ hội lẫn thách thức đối với đào tạo ngành nghề khối STEM tại Việt Nam hiện nay.
Tại một hội thảo liên quan đến STEM diễn ra mới đây, ông Lee Ki-seo, chuyên gia từ Tập đoàn Viễn thông SK Telecom, cho biết khối ngành STEM không chỉ "khát" nhân lực tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Mức lương trung bình của khối ngành này cũng khá cao, có xu hướng ngày càng tăng theo nhu cầu của xã hội.
Còn theo ông Lê Hồng Minh, Giám đốc điều hành tập đoàn VNG Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa trong kỷ nguyên công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhân lực ngành STEM đòi hỏi số lượng lớn. Theo nghiên cứu của đại học Oxford, 47% số việc làm ngày nay sẽ biến mất và bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công việc mới được sinh ra sẽ chủ yếu liên quan đến STEM.
Chuyên gia Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực, nhìn nhận, với xu thế của nghề nghiệp tương lai, Việt Nam cần ưu tiên tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ năng lực cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. "Những kiến thức và kỹ năng mà người lao động trong thời đại công nghiệp 4.0 bắt buộc phải có là công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, thống kê mang tính tổ chức và quy trình, khả năng tương tác giao diện hiện đại (người - máy, người - robot), kỹ năng tự quản lý thời gian, thích ứng với thay đổi, làm việc nhóm, giao tiếp xã hội", ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, trong những năm tới, sẽ có một số lĩnh vực phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động, gồm:
- Công nghệ kỹ thuật, Tự động hóa và Khoa học sáng tạo (Công nghệ thông tin – in 3D, điện – điện tử, cơ khí tự động – robot – chế tạo máy, hóa dược – hóa sinh, hóa mỹ phẩm, chế biến tinh thực phẩm – an toàn thực phẩm...).
- Thiết kế và mỹ thuật ứng dụng, kỹ thuật công trình xây dựng và môi trường (Thiết kế dựa trên cấu trúc – thiết kế kinh doanh, mỹ thuật ứng dụng bao gồm: thiết kế đồ họa – thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất – nghệ thuật trang trí...)...
- Lĩnh vực được xác định sẽ tăng nhu cầu lao động là phân tích dữ liệu, bán hàng chuyên nghiệp và loại nguồn nhân lực mới cũng như các chuyên gia liên quan đến vật liệu, hóa sinh, công nghệ nano và robot... Phần lớn những ngành nghề này đều liên quan đến khối ngành STEM.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn