Trĩu lòng với Ba Chúc

09:49 | 26/07/2019;
Từng được nghe, được biết về vụ thảm sát đẫm máu ở Ba Chúc trong chiến tranh nhưng khi đến tìm hiểu thực tế tại khu di tích lịch sử này, chúng tôi không cầm được nước mắt. Dù chỉ được nghe kể lại từ người thuyết minh nhưng ai cũng có cảm giác rùng rợn, bàng hoàng về tội ác Pol Pot gây ra với người dân vô tội tại Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Từ Sài Gòn, chúng tôi chạy xe hướng thẳng An Giang, qua những cánh đồng lúa xanh mướt mênh mông. Xa xa, ngọn núi Sam uy nghi in trên nền trời ngăn ngắt. Con đường thẳng tắp trước mặt bỗng sừng sững có một cây đa lớn áng ngữ giữa lòng đường Lộ Tẻ ở thị trấn Ba Chúc – đánh dấu điểm đến của chúng tôi.

ba-chuc1.jpg
Cây đa vẫn xanh mát sừng sững giữa đường, như không bao giờ quên nỗi đau muôn đời của người dân Ba Chúc

Gọi là cây đa nhưng thân chính là cây Dầu cổ thụ có tuổi thọ khoảng 300 năm. “Cụ” Dầu này khi xưa cao, tán rộng hơn bây giờ. Khi “cụ” Dầu mọc lên thì các nhà sư xây dựng chùa bên cạnh, nhưng gần đây, “cụ” Dầu này trở thành vòng xoay bất đắc dĩ do dự án mở đường cho du khách vào thị trấn Ba Chúc thăm quan. Khi cây già chết, tức thì có cây đa quấn quanh thân khiến “cụ” như vẫn sống mãi với người dân nơi đây.

ba-chuc3.jpg
Khu nhà mồ Ba Chúc

Điều đáng nói “cụ” chính là nhân chứng về tội ác của Pôn Pốt tràn về Ba Chúc những ngày cuối tháng 4/1978 của chiến tranh biên giới Tây Nam. Chúng dồn dân vào chùa và trường học thảm sát. Khi chúng rút đi thì xác người nằm la liệt dưới gốc cây Dầu này. Thời gian trôi qua, con số về số người chết vẫn còn lưu. Cây đa vẫn xanh mát sừng sững giữa đường, như không bao giờ quên nỗi đau muôn đời của người dân Ba Chúc.

 

Xa xa, khu nhà mồ Ba Chúc nhìn như một bông sen khổng lồ úp ngược với 8 cánh sen sơn màu trắng như để giảm đi sự tang thương. Mỗi cánh sen trưng bày nhóm hài cốt được phân theo độ tuổi, giới tính theo kết quả giám định hộp sọ. Hiện nhà mồ trưng bày 1159/3157 bộ hài cốt bị Pôn Pốt giết hại trong vòng 12 ngày. Đứng giữa khu nhà mồ ngước mắt nhìn lên xung quanh, chúng tôi lạnh sống lưng và nghẹn lòng đầy ám ảnh. Với tấm lòng thành, chúng tôi đặt soạn 10 mâm cơm chay thắp hương cho người xấu số và cầu siêu thoát.

ba-chuc2.jpg
Hiện nhà mồ trưng bày 1.159/3.157 bộ hài cốt bị Pôn Pốt giết hại trong vòng 12 ngày
Đi sang bên phải khu nhà mồ là chùa Phi Lai, nằm ngay dưới chân núi Tượng. Ngôi chùa được xây dựng năm 1887 nhưng bao lần bị thực dân Pháp nã pháo tan hoang. Chùa vốn là điện thờ đấng tối cao Ngọc hoàng Huyền khung Cao thượng đế. Trong điện còn thờ “tứ đại thần châu” tức là bốn hòn đảo của cõi tiên. Kim chỉ nam của người tu trong chùa thờ Đạo Lão và Đạo Phật, lấy từ bi bác ái làm lành lánh dữ nay gọi là đạo Tứ ân Hiếu nghĩa. Nhưng đây cũng chính là nơi xảy ra thảm sát kinh hoàng nhất vì người dân Ba Chúc lúc ấy chạy dồn lên chùa với mong muốn nhờ Đức Phật chở che. Nhưng sự hung hãn tàn ác của bọn Pol Pot không có sự nương nhẹ nào. Những dấu tích nhiều bàn tay vấy máu trên tường, hành lang chùa vẫn in dấu đến tận ngày nay, chứng tích của tội ác diệt chủng của Pol Pot càng hiện rõ.
cha_phi_lai__ba_chc.jpg
Chùa Phi Lai

 

Bước ra khỏi chùa Phi Lai giữa trưa nắng khô rát mà chúng tôi có cảm giác ớn lạnh. Thế mới hiểu, vì sao người ta vẫn nhắc nhau đến Ba Chúc không nên đến quá muộn của một chiều nắng tắt. Bởi âm khí ở đây cao ngút trời xanh. Chiến tranh đã lùi xa, lòng người không còn thù hận. Nhưng chứng tích còn lại ở nơi này cho chúng ta thêm một lần sẻ chia sâu sắc với nỗi đau, mất mát không gì sánh nổi, mà người dân Ba Chúc vô tội đã phải trải qua vì chiến tranh.

Hàng năm, lễ giỗ tập thể nạn nhân Ba Chúc được tổ chức vào ngày 16/3 (âm lịch). Đây được xem là lễ giỗ tập thể rất lớn tại Việt Nam, thu hút hàng ngàn du khách, tín đồ tôn giáo và thân nhân các nạn nhân tham gia cúng viếng, cầu nguyện.

Bạn có thể đến An Giang vào bất cứ thời điểm nào, nhưng những tháng đầu năm (từ tháng giêng đến tháng 4) là thời điểm mà An Giang đẹp nhất, không khí lễ hội ngập tràn và thời tiết cực kỳ dễ chịu. Sau tháng 5 trở đi thì An Giang bắt đầu đón những trận mưa mùa hạ, gây chút ít khó khăn cho việc tham quan của bạn.

Huyện núi Tri Tôn (An Giang) giáp với biên giới Campuchia, cánh trung tâm hành chính Long Xuyên khoảng 57km, cách Châu Đốc 44km đường bộ. Đây là huyện núi có diện tích lớn nhất ở An Giang. 

Đường đến An Giang khá thuận lợi, bạn có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau. Với những khách du lịch ở miền Bắc, bạn có thể đặt vé máy bay đến TP.HCM và từ đây di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy đến An Giang. Bạn có thể di chuyển bằng ô tô bằng cách mua vé ở các bến xe TP.HCM đến thị xã Châu Đốc hoặc thành phố Long Xuyên với giá vé 150.000-300.000 đồng.

Từ ngày 18/4 - 30/4/1978, tập đoàn diệt chủng Pol Pot đã sát hại dã man 3.157 người dân vô tội ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Sau đó, chính quyền và nhân dân Tri Tôn đã xây dựng nhà mồ Ba Chúc, lưu giữ 1.159 bộ hài cốt, trở thành một minh chứng cho tội ác của bọn Pol Pot gây ra cho người dân Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn