Trò chuyện cùng sư thầy Giác Minh Luật về sự chữa lành với giới trẻ

05:29 | 19/11/2022;
Cuộc gặp gỡ với thầy Giác Minh Luật được chúng tôi thực hiện trong chuyến trở về Việt Nam của thầy vào tháng 11/2022. Chúng tôi đã được thầy truyền cho một nguồn năng lượng tươi trẻ ngay từ những giây đầu buổi gặp. Không phải thông qua những câu nói viral thầy đã mang vào bài giảng, mà bằng những chân ngôn rất thiện lành.

Sư thầy Giác Minh Luật sinh năm 1992 tại quê nhà Bình Thuận trong một gia đình có 7 anh chị em, xuất gia vào năm 10 tuổi tại tịnh xá Ngọc Minh (Bình Thuận) theo hệ phái Khất Sĩ. Hiện tại, sư thầy đang là nghiên cứu sinh Thạc sĩ Ngôn Ngữ Anh tại Trường Đại học MCU - Thái Lan và trong quá tình hoàn thành một chương trình học khác tại Mỹ.

Trong thời gian du học, thầy Giác Minh Luật tu hành tại Như Lai Thiền Tự (Sandiego, Mỹ).

"Khi tôi còn nhỏ, cô giáo hỏi tôi: Ước mơ sau này em sẽ làm gì? tôi đã không một chút đắn đo và suy nghĩ để trả lời rằng: Đi tu. Khi ấy, cô giáo và các bạn đã ngơ ngác nhìn tôi như một người khác lạ. Nhưng rằng, bây giờ khi đi tu rồi, đôi lúc gặp lại nhau, các bạn ai cũng đòi, cũng muốn được như tôi vì chắc họ thấy cuộc sống bên ngoài quá mệt mỏi".

Không giống như các bạn trẻ khác, biết đến sư thầy Giác Minh Luật thông qua các khóa tu hay những bài giảng hot trend nhất hiện nay. Tôi biết đến tên của sư thầy từ một lần tình cờ đọc những dòng tùy bút mà tôi đã trích dẫn từ quyển sách "Khổ răng mà khổ rứa", và theo tôi nhớ, đó là một trong 4 cuốn sách đã được phát hành cách đây nhiều năm của sư thầy.

Cuộc gặp gỡ với thầy Giác Minh Luật được chúng tôi thực hiện trong chuyến trở về Việt Nam của thầy vào tháng 11/2022. Chúng tôi đã được thầy truyền cho một nguồn năng lượng tươi trẻ ngay từ những giây đầu buổi gặp, không phải thông qua những câu nói viral mà thầy đã mang vào bài giảng. Mà cho đến lúc sư thầy ngồi xuống, yên vị trên một cái ghế, xung quanh có nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ GenZ, chúng tôi đã cảm nhận được sự đồng hành giữa thầy và thế hệ GenZ sau này. Và cuộc chuyện trò bắt đầu trong khoảnh khắc ấy. 

CHÂN DUNG SƯ THẦY HOT NHẤT MẠNG XÃ HỘI

Thưa thầy, hành trình xuất gia của thầy đã trải qua như thế nào khi còn rất nhỏ và trải qua độ tuổi đẹp nhất?

Mình xuất gia từ năm 10 tuổi. Có thể nói, sự qua đời của ba chính là một cột mốc. Khi ấy, mình được một bạn nhỏ cùng xóm cho mượn một quyển Kinh Địa Tạng, Kinh Vu Lan Báo Hiếu. Mình chưa đọc được mà chỉ tập đánh vần từng chữ, từng chữ, cảm thấy nó có ý nghĩa về giá trị tình người rất lớn trong những lời kinh.

Rồi mình cảm nhận bản thân có sự khác biệt với các bạn cùng trang lứa. Ví dụ: Mình không thích những trò chơi như câu cá, bắt côn trùng bỏ vào chai hoặc là cột chỉ vào cánh chuồn chuồn để nó bay. Những điều đó mình không làm được, vì đâu đó có sự thương xót và chạnh lòng khởi lên trong tâm. Hoặc là các cuộc ẩu đả, chia phe đánh nhau, mình không muốn tham gia. Lúc ấy, mình nghĩ "mình không muốn làm tổn thương người khác, không muốn làm tổn thương các loại động vật xung quanh". Cho đến khi ba mất, mình bắt đầu tò mò tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn về kiếp người.

Thông qua những bài học từ giáo lý nhà Phật, mình trả lời được hầu hết những câu hỏi trong cuộc đời mà mình luôn để tâm suy nghĩ về: "Mình sinh ra để làm gì, chết rồi đi về đâu, ý nghĩa thật sự về sự tồn tại của bản thân?". Rồi từ thời điểm được vào chùa, được làm một chú tiểu, may mắn sống trong môi trường được hun đúc, nuôi dưỡng bằng những chất liệu của tình thương, thiện lành, mình ước mơ được trở thành tu sĩ và cho đến ngày hôm nay, đã tròn 20 năm. 

Thời gian gần đây, hình ảnh thầy xuất hiện trên hầu hết các kênh truyền thông mạng xã hội và được đông đảo người trẻ yêu mến, thông qua những đoạn thuyết giảng bắt trend rất hài hước và chân thật. Thầy cảm nhận được gì thông qua những hiệu ứng ấy? 

Để các bạn trẻ thẩm thấu được những điều này thông qua các bài giảng một cách hiệu quả, dễ hiểu nhất, trong khi thời lượng bài giảng bị giới hạn, đối tượng nghe đều là người trẻ nên mình cô đọng nó lại thành "mì ăn liền", ngắn gọn, dễ tiếp cận nhất, bằng ngôn ngữ mang tính xu hướng, những câu thơ, câu nói ngắn gọn, tạo sự chú ý, thích thú đối với các bạn.

Các bạn hay gọi mình là "nhà sư thao túng tâm lý", về hiệu ứng, mình thấy đây cũng là một hiệu ứng tích cực  không chỉ  mang đến cho các bạn nụ cười. Mà bên cạnh đó, các bạn còn   tìm thấy sự lợi lạc trong những câu chuyện vui, các bạn sẽ mong muốn tìm hiểu nhiều hơn và có được những bài học quý báu hơn. 

Ban đầu nó mang tính đại trà, nhưng đó là một cái duyên để đưa các bạn tiếp cận sâu hơn  với đạo đức Phật giáo, hay hình ảnh, đời sống và vai trò đóng góp trên nhiều phương diện nhập thế của người xuất sĩ trong xã hội hiện nay. 

Thầy Giác Minh Luật: Xem mạng xã hội là "phương tiện", đưa người trẻ "sang sông" rồi sẽ bỏ lại  - Ảnh 2.

Thưa thầy, thầy đã phản ứng như thế nào trước những hiệu ứng tích cực rằng có một đại bộ phận các bạn trẻ rất yêu thích thầy hay thậm chí là rất hâm mộ thầy?

Nhờ xuất gia từ nhỏ nên mình sớm tiếp cận được cuộc sống thiền môn, đôi khi nó thanh bình nhưng cũng có tính kỷ luật cao, chính vì vậy mà mình được tôi luyện về ý chí, về một tâm thức điềm đạm, nhìn mọi thứ nhẹ nhàng hạnh phúc hơn. Nhưng, mình cũng cảm  thấy rất hoan hỷ và luôn trân trọng tình cảm mà mọi người đã dành cho. Có lẽ vì là người xuất gia nên mình   làm tốt việc kiểm soát cảm xúc, có thể vui, có thể buồn nhưng không để cho những cảm xúc ấy tồn tại quá lâu trong mình. 

Con đường của mình đang đi được xem như là một trách nhiệm vốn dĩ của một người xuất sĩ. Khi mang được hình ảnh Đức Phật và những giá trị đạo đức của Phật giáo đến gần hơn với các bạn trẻ. 

Và giúp các bạn thay đổi nhận thức, cái nhìn tích cực hơn về Phật giáo, mang ra ứng dụng để  có được một điểm tựa bình an, một cuộc sống có chất lượng thì đó chính là niềm vui, hạnh phúc của một người xuất sĩ như mình. Nhưng tốt nhất vẫn phải nhìn những thành quả kia dưới góc nhìn "tuỳ duyên" không vướng mắc, cứ để nó khép lại là hành trang, là kỷ niệm để tiếp tục bước tiếp. Mình luôn quan niệm: "Hãy sống để chính mình hạnh phúc đừng sống để người khác ngưỡng mộ".

Đây được xem là phương thức tiếp cận thành công nhất các đối tượng là người trẻ, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những ý kiến trái chiều cho rằng "hài hước hoá Phật giáo là không nên", thầy nghĩ sao về việc "social media hóa" các chủ đề liên quan đến Phật giáo?

Với góc nhìn bi quan thì "hài hước hoá Phật giáo" có lẽ là không đúng.

Có rất nhiều ý kiến, những lời bình luận. Nhưng đó là điều mà mình đã lường trước được và mình chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên, không để những điều đó khiến mình nản lòng. Trong giáo lý nhà Phật có nhắc đến hình ảnh về một chiếc bè, mạng xã hội vốn dĩ được xem là một phương tiện, là "chiếc bè" để mình đưa các bạn qua sông, sau khi các bạn đã qua được sông rồi, bỏ nó lại.

Mình được mọi người yêu thương, quý mến, lắng nghe, có thể đã là thành quả trong suốt quá trình phụng sự cộng đồng từ năm 18 tuổi đến nay, một khi mình đã nguyện mang đạo đức Phật giáo đến gần hơn với người trẻ thì đã là một tâm nguyện rất khó khăn và mới mẻ, nên việc giữ vững lập trường, ý chí rất quan trọng đối với mình. Còn lại những gì đã trải qua chỉ là những thử thách, những chuyện hoàn toàn bình thường của cuộc sống như vốn dĩ đã là, bởi chính bản thân mình không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người. Phù hợp với người này, nhưng sẽ không phù hợp với người khác, bởi lẽ chúng ta đã rất khác nhau về quan điểm độ tuổi, và nhận thức trong một vấn đề. Nên người không hiểu mình thì không thể thương được mình thôi.

Nếu không thể thay đổi cách nhìn của họ về mình, thì quay trở về  thay đổi tâm thức  của chính mình về nó, khi bản thân nhìn đời bằng đôi mắt hồn nhiên, bao dung, tích cực, thì những lời nói tiêu cực đó mình sẽ ghi nhận và  ít nhiều gì cũng có tính tham khảo. 

Kinh Kim Cang của nhà Phật có câu: "Phật pháp không rời thế gian pháp", vốn dĩ tất cả cũng chỉ là phương tiện, người nặng lòng thì cho nó là giáo tông, luật lệ, người đứng ngoài thì coi nó là "chiếc bè sang sông", sang rồi thì bỏ lại.

CON ĐƯỜNG TÌM ĐẾN SỰ "CHỮA LÀNH"

Thầy đã chia sẻ rất nhiều về đề tài tình yêu và lắng nghe tâm tư của các bạn trẻ, những hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội phần nào cho thấy đây là đề tài được rất nhiều các bạn trẻ quan tâm và khi các bạn có sự theo dõi, quan tâm nhiều thì chứng tỏ các bạn gặp nhiều vấn đề trong chuyện tình cảm. Thầy nghĩ sao về điều này?

Qua nhiều lần tiếp xúc, mình nhận thấy các bạn trẻ có rất nhiều cái nhìn tiêu cực và đánh mất niềm tin về tình yêu. Thời buổi hiện đại, vì chưa có sự chọn lọc nên các thể loại âm nhạc, văn hoá phẩm, ứng dụng hẹn hò mà các bạn dễ dàng tiếp cận trên smartphone, đã khiến cho đau khổ của con người có một môi trường để khuếch đại. Chính vì vậy mà nhu cầu được lắng nghe những lời khuyên, những lời giảng cũng rất cần thiết.

"Phật pháp đa phương vì chúng sinh đa bệnh", cái khổ của các bạn dù nguyên do là gì thì cũng đều là khổ, nếu mình có thể mở được nút thắt thì đó cũng là một điều nên làm.

Thầy Giác Minh Luật: Xem mạng xã hội là "phương tiện", đưa người trẻ "sang sông" rồi sẽ bỏ lại  - Ảnh 6.

Sư thầy Giác Minh Luật

Để không phải đau khổ vì một đối tượng khác, trước hết các bạn cần biết cách yêu thương bản thân. Chỉ khi nào bạn hiểu và thương được chính mình thì lúc đó bạn mới hiểu và thương được người khác một cách đúng nghĩa. Không yêu được mình thì yêu ai cũng là sai. 

Mình vốn cũng là một người trẻ, một thanh niên, mặc chiếc y lên người thì được gọi là nhà sư, là một vị tăng. Mình cũng lớn lên như các bạn, cũng có những cảm xúc đầu đời, cũng có những lúc "rung" nhưng may là  không có "động". Để làm được điều này, mình cần kiểm soát cảm xúc, kiểm soát nội tâm và thực hành quán chiếu những cảm xúc bên trong mình, không để nó sai khiến, dẫn dắt đi quá xa.

Phải nhận ra rằng nếu tình yêu trong hiện tại chỉ khiến mình tồi tệ đi, bi luỵ, hờn ghen, trách móc và gieo đau khổ cho nhau mỗi ngày. Thì phải cần suy xét lại, bởi vốn dĩ bản chất của tình yêu phải có sự đồng điệu từ hai phía, phải mang lại hạnh phúc cho mình và cho cả đối phương. Còn nếu nó chỉ đến từ một phía thì mình tạm gọi đó là tình si hơn là tình yêu. 

"Chữa lành" có lẽ từ mà thời gian gần đây rất phổ biến trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Thiết nghĩ, nếu chữa lành hữu hiệu thật sự thì sao người ta cứ phải liên tục tìm đến nó, mà nếu không có tác dụng gì, vì sao nó lại được biết đến rộng rãi như vậy hay thậm chí trở thành một nhu cầu thiết yếu. Có quá nhiều cách cùng một đề tài này, vậy đâu sẽ là con đường "chữa lành" đúng đắn nhất thưa thầy?

Khi có vết thương trên cơ thể thì theo bản năng chúng ta sẽ tìm cách chữa lành, từ đó nó cũng trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người. Việc đi tìm một người có năng lượng tích cực hơn để nương tựa  là điều cần thiết. Nhưng nếu "giao hoàn toàn cảm xúc, nỗi khổ, niềm đau của mình  cho người khác thì không hẳn là chữa lành. 

Đức Phật dạy: quay về quán chiếu, lắng nghe cảm xúc bên trong mình mới là đường đi đúng đắn nhất, vững chắc nhất". Khi nào mất hết tất cả thì cái còn lại vẫn là chính mình "còn thở là còn gỡ". Vui đó rồi buồn đó, hợp đó rồi tan đó, hiểu được ý nghĩa của vô thường chúng ta sẽ hiểu được rất nhiều. Ngay cả chuyện tình cảm.

Nỗi khổ đau do chính mình tạo ra thì chỉ có mình mới là người hiểu rõ nhất. Còn lại chỉ là những lời khuyên mang tính tham khảo của ai đó để giúp mình  tìm ra phương cách phù hợp nhất mà thôi. Chữa lành thì phải tự thân cố gắng, còn người khác chỉ là sự yểm trợ tạm thời. Thời gian chúng ta được sống rất ngắn. Nhất là thanh xuân. Một người có thể mất ba, bốn, hay thậm chí là năm năm để buồn bã, đau khổ vì một chuyện hoặc một người nào đó, thử nghĩ trong đời mình cứ gặp khoảng 3 - 4 lần những chuyện không vui như vậy thì còn gì gọi là thanh xuân, là đời người. 

Chữ "buông" rất dễ thương, "buông đi", quay trở về nương tựa "hải đảo tự thân", thắp đuốc lên mà đi. Người ta có thể giúp mình, chỉ mình đúng hướng nhưng đi bằng cách nào chính mình phải dùng đôi chân của mình, trái tim của mình để cảm nhận và dẫn lối.

Thưa thầy, hầu hết khi tâm lý có sự bất ổn, người ta mới bắt đầu quay về với đức tin, tôn giáo, tìm cách thức chữa lành, quan điểm này có đúng không? Và với những người không có niềm tin vào bất kỳ tôn giáo hay đạo nào thì họ cần phải chọn con đường như thế nào ạ?

Chúng ta đói thì mới cần ăn, khát thì mới tìm nước để uống , cũng như vậy, thiếu một điều gì đó thì mình mới nỗ lực đi tìm. Những bạn đau khổ mới tìm đến chùa, tìm đến một môi trường đạo đức, tích cực là một điều hiển nhiên. Đó có thể được xem là nhu cầu  đơn thuần của con người,  nhưng phải là người tích cực, có lý tưởng, thì mới tìm đến nương tựa những điều tốt lành. Bằng không thì trong môi trường xã hội phức tạp như hiện nay thì các bạn rất dễ  sa ngã, đam mê, hưởng thụ vào những thứ cám dỗ . Từ đó đánh mất chính bản thân mình. 

Mình từng nói với bản thân rằng: "Mình không dành cả cuộc đời mình để đi theo phụng sự bất kỳ một tôn giáo nào cả. Mình không coi đạo Phật là tôn giáo, mình coi đạo Phật là lẽ sống, là một con đường  tỉnh thức, đường đi đến một lý tưởng đúng đắn". Đức Phật ra đời không phải để lập nên một tôn giáo mới, mà sự xuất hiện của ngài là để    tìm ra một con đường để chúng ta thoát khổ và đạt đến một giá trị hạnh phúc đích thực. Điều đó không mang khái niệm tôn giáo, mà là khái niệm về đạo đức và trí tuệ. Vậy nên, thứ chúng ta cần đi tìm, thật ra là một con đường chứ không phải là một tôn giáo. 

Có nhiều người nói: "Tôi không theo tôn giáo","Tôi không tôn thờ một đấng thần linh nào cả", ngay khi họ có ý nghĩ đó là chính bản thân họ đã theo rồi, theo cái "không theo". Chúng ta tự tạo nên một quan điểm "có" và "không". Chúng ta ở giữa cái "có" và cái "không", thật ra đều chấp ngã như nhau. Quan điểm chỉ là quan điểm, có thể bất đồng nhưng không có chuyện tuyệt đối đúng, tuyệt đối sai! Bạn không có tôn giáo, cũng không có đức tin, điều đó không quan trọng. Quan trọng là phải chọn cho mình một con đường đưa đến hạnh phúc  mà ở đó cần phải có sự tử tế và tình người. 

"LUẬT HẤP DẪN" và LUẬT NHÂN QUẢ

Thầy đã có nghe qua "luật hấp dẫn" chứ? Một cụm từ liên tục trở thành từ khóa nhiều lượt tìm kiếm nhất vào năm 2022, đặc biệt người ta còn ứng dụng nó trong chuyện tình cảm. Thầy nghĩ như thế nào về "luật hấp dẫn", thưa thầy, "luật nhân - quả" và  "luật hấp dẫn" có sự tương đồng nào không ạ?

Luật hấp dẫn và luật nhân quả đều hướng con người đến cái tốt hơn. Bởi vì nếu bạn muốn đạt được một điều gì đó tích cực, hướng thượng thì bạn phải luôn nghĩ tốt, làm tốt một cách liên tục có sự cố gắng và ngược lại.

Nhưng luật hấp dẫn mang tính mong muốn, chủ động. Còn luật nhân quả thì mang tính chất tự nhiên. 

Thầy Giác Minh Luật: Xem mạng xã hội là "phương tiện", đưa người trẻ "sang sông" rồi sẽ bỏ lại  - Ảnh 8.

Khi các bạn mong muốn, khao khát điều gì đó, các bạn thường gửi tín hiệu lên vũ trụ, ví dụ như khi bạn thương một người, bạn bắt đầu gửi tín hiệu ấy đi và cầu mong họ sẽ thương lại bạn. Nhưng ở khía cạnh nào đó trong chuyện tình cảm: "Chúng ta không thể giữ được một người bằng cách thương họ thật nhiều", họ không thương bạn thì bạn thương họ bao nhiêu cũng bằng thừa.

Bởi cái gì cũng mang tính tương đối, ngay chính trong luật nhân quả muốn xảy ra cũng cần sự kết hợp của một đối tượng, hoàn cảnh nhân duyên phù hợp (Nhân-duyên-quả).  Bởi vậy, nếu bạn đặt hết niềm tin vào một mong muốn nào đó, khi mong muốn đó không thành hiện thực, bạn sẽ là người đau khổ. Và tự mình đánh mất đi niềm tin cho chính mình  tạo ra.

Những "gieo duyên" khác biệt sẽ đưa ra "thành quả" khác biệt. Bạn cần xem những nguyên tắc chữa lành, luật hấp dẫn chỉ là những quy chiếu hiện thời.

"Làm sai thì mình làm lại. Nhưng phải thành nhân trước khi thành công, nhé!"

Nhớ trong cuốn sách "Cho nhẹ lòng nhau" rằng, có một đoạn thầy viết thế này: "Tôi luôn cố gắng dành thời gian để viết, vì mỗi lần viết là tôi được sống lại với những cảm xúc rất thật trong trái tim mình, tôi thấy mình còn rất trẻ thơ, yêu đời và dễ dàng rơi nước mắt. Mai này có già đi, chắc cũng không khác mấy". Nhiều người nhìn thấy rằng thầy rất vô tư và yêu đời. Nhưng đó cũng là thành quả của một người tu tập hàng chục năm. Vậy một người bình thường không phải nhà sư làm cách nào để có một cuộc sống vô tư tương tự và "không khác mấy sau này" như thưa thầy?

Để trở thành một người sống vô tư nhẹ nhàng không phải là quá khó. Nhưng quan trọng các bạn có chịu thực tập và buông bỏ hay không? Để trở thành một con người hạnh phúc, vững chãi thì bản thân mình cũng phải trải qua, hun đúc và thực tập trong môi trường thiền môn suốt một thời gian rất dài.

Vì vậy, các bạn muốn trở thành một người  có hạnh phúc sau này thì ngay bây giờ cũng phải thực tập giảm thiểu những suy nghĩ không đáng có, tập nhìn mọi sự việc bằng cái nhìn tích cực và nhẹ nhàng.  Và biến nó trở thành một thói quen trong cách sống và suy nghĩ. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu nói rất nổi tiếng "The way out is in" có nghĩa là "Lối ra tùy thuộc  đường vào nội tâm". 

Cảm ơn những chia sẻ rất an lành của sư thầy! 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn