Thiểu năng trí tuệ, hội chứng down, khiếm thị, tự kỷ... - đó là tình trạng của con em những nạn nhân chất độc da cam Dioxin ở Làng Hữu nghị Việt Nam (Hà Nội). Đến lớp học đặc biệt này, những giáo viên tâm huyết soạn giáo án chi tiết cho từng học sinh.
Các em từ 5 đến 20 tuổi, đa phần bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, hội chứng down hoặc khiếm khuyết các giác quan. Nhiều em trong số đó là những học trò "không bao giờ lớn" bởi học trước quên sau hoặc tiếp thu rất chậm. Trong ảnh là 2 nam sinh lớp giáo dục đặc biệt 1 bị chứng tự kỷ tăng động. Cô giáo cho biết, mất nhiều tháng trời, cô mới rèn được cho em việc ngồi yên một chỗ như vậy.Cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Oanh gắn bó với lớp từ những ngày đầu thành lập làng. Cô Oanh rất yêu thương và chăm lo cho các em có hoàn cảnh đặc biệt này. Mỗi học trò là một phương pháp dạy học, giáo án khác nhau, không em nào giống em nào. Sự tiến bộ của em được tính bằng từng hành vi, cử chỉ, từng con chữ được đánh vần tròn trĩnh...Em Dung năm nay 16 tuổi, là 1 trong những học sinh khá của lớp giáo dục đặc biệt 1 khi có thể nói tròn câu và đánh vần từng chữ. Mỗi lần Dung đánh vần rõ chữ, cô giáo và cả lớp thưởng cho em một tràng pháo tay thật to.Các giáo viên chia sẻ, tùy vào nhận thức của học trò để phân chia lớp theo từng mức. Hết năm học, em nào tiến bộ sẽ được lên lớp khá hơn, được học chữ và học kiến thức nhiều hơn.Cô Phạm Phương Thảo có hơn 10 năm gắn bó với lớp Kỹ năng 1. Đây là lớp rất đặc biệt khi cả 8 học sinh đều mắc chứng tự kỷ, thiểu năng ở mức không kiểm soát được hành vi và các hoạt động cơ bản để tự phục vụ bản thân. Nụ cười tươi rói của cô Thảo sau một buổi sáng vừa dạy, vừa chăm học trò rất vất vả.Ở Làng Hữu nghị Việt Nam, ngoài các lớp học chữ, văn hóa, còn có một số lớp nghề như thêu, may, tin học văn phòng... Đây là quang cảnh của một lớp học thêu vào sáng 11/4.Cô giáo Loan và em Bình - một học sinh giỏi của lớp thêu. Bình có tay nghê rất thuần thục, khéo léo. Em cùng các bạn tạo ra một số sản phẩm handmade để làm quà tặng và bán cho khách nước ngoàiKhi chào các em ra về, một nam sinh tên Nam níu tay tôi lại, giơ tay tạo dáng và nói "xin chào" kèm nụ cười đầy thiện cảm - đó là câu giao tiếp duy nhất của Nam với người khác. Thế giới của Nam giản đơn, hồn nhiên và trong trẻo như vậy.