Việc những đứa trẻ nô đùa, xô xát hay thậm chí đánh nhau là chuyện khá thường xuyên xảy ra và được người lớn coi là trò trẻ con, không cần quan tâm. Tuy nhiên, nếu trẻ không được quản lý thì hậu quả có thể rất tai hại.
Vào tháng 9 năm 2021, một vụ việc đau lòng đã xảy ra tại một trường tiểu học ở Quảng Châu, Trung Quốc. Trong giờ ra chơi, một bé gái tên Tư Tư đang đứng chơi nói chuyện với các bạn như bình thường. Khi em đi về chỗ, một bạn học tên Tiểu Kiệt đã giở trò đùa nhấc ghế của Tư Tư sang một bên. Kết quả là cô bé bị ngã xuống đất. Nhưng chuyện không dừng lại ở đó, Tư Tư bị đập đầu vào thành ghế rất mạnh.
Nữ sinh sau đó được đưa đến bệnh viện để điều trị. Kết quả chẩn đoán cuối cùng là em bị chấn thương sọ não, mờ mắt và giập dây thần kinh thị giác ở cả hai mắt.
Cha mẹ của Tư Tư rất tức giận khi con họ phải chịu tổn thương lớn như vậy ở trường và đã đệ đơn kiện Tiểu Kiệt, cha mẹ cậu và nhà trường, yêu cầu bồi thường chi phí y tế, trợ cấp thực phẩm nằm viện, chi phí dinh dưỡng, chi phí điều dưỡng và tiền tổn thương tinh thần.
Kết quả của phiên tòa đầu tiên là nhà trường đã hoàn thành trách nhiệm của mình và không liên quan. Về phần mình, Tiểu Kiệt cùng bố mẹ cậu phải bồi thường cho Tư Tư tổng số tiền hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng). Cha mẹ Tiểu Kiệt kháng án nhưng không thành công.
Một trò đùa giữa những đứa trẻ đã trở thành cơn ác mộng của 2 gia đình. Từ một lần đùa giỡn rất nhỏ, một bé gái phải chịu đựng nỗi đau và di chứng lâu dài, thậm chí việc học cũng có thể bị trì hoãn. Nếu đôi mắt để lại di chứng vĩnh viễn thì tương lai lẫn cuộc đời của Tư Tư cũng bị ảnh hưởng. Còn cậu bé Tiểu Kiệt thì chắc chắn phải chịu cảm giác hối hận và làm cả gia đình mình lao đao về mặt tài chính lẫn tinh thần.
Vậy sự việc này dạy chúng ta bài học gì? Đó là cần có giới hạn cho việc vui chơi của trẻ. Trẻ con đùa giỡn cũng nên có chừng mực và người lớn, bao gồm cả phụ huynh và giáo viên cần dạy cho trẻ biết giới hạn nằm ở đâu. Trẻ em vô tư sẽ không biết những hậu quả mà mình có thể gây ra. Cần phải dạy cho trẻ biết hậu quả của hành động nguy hiểm và không được đùa quá trớn. Song song với đó, việc giáo dục trẻ tự cảnh giác và bảo vệ bản thân mình cũng cần thiết không kém.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn