Chúng ta được nhìn ngắm làng quê Việt những năm 70, 80 của thế kỷ trước với những gian nhà lợp mái tranh mỗi khi trời mưa thì từng giọt, từng giọt tí tách như đuổi nhau từ mái nhà chạy xuống đất, chiếc cổng làng rợp bóng tre xanh, những buổi trưa oi ả đám trẻ nằm võng kẽo kẹt nghe đâu đây vọng lại tiếng gà gáy…
Đó còn là bức tranh nhiều màu sắc sống động được tác giả phác họa bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị.
Dường như mọi vật qua góc nhìn của nhà văn dẫu rất bình thường, đôi khi tưởng tầm thường, như cây rau sam, rau tập tàng nằm rạp mình trên đất, hay đơn giản là mái gianh "lơ xơ lác xác như một mái đầu lười cắt tóc" cũng trở thành nỗi nhớ, niềm thương khi trở thành người lớn…
Cách nhà văn mô tả rõ nét từng chi tiết giúp người đọc hoài niệm về một thời chân đất, nền nhà đất nện được trang trí bằng hạt trám xinh xinh, cái cối giã gạo, ổ rơm...
Còn các bạn nhỏ thời hiện đại lại tò mò tìm hiểu, khám phá những gì đã đi vào trí nhớ của người lớn, những gì đã nằm lại trên dòng chảy lịch sử phát triển của đất nước.
Chỉ với hơn trăm trang sách nhưng bằng cách sử dụng khéo léo từ tượng thanh, tượng hình, cách mô tả chân thực từng cánh hoa, cọng lá mà tác giả đã đưa chúng ta trở lại làng quê xưa với đủ âm thanh, hình ảnh và sắc màu sống động.
Không những thế, bạn còn được trải nghiệm đủ các phong tục tập quán, nét văn hóa dân gian qua những câu văn súc tích, ngắn gọn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn