Mới đây, một nam sinh lớp 11 trường THPT Tiên Lãng (Hải Phòng) uống thuốc chuột tự tử vì mượn xe máy của bạn và bị CSGT giữ xe vì vi phạm ATGT.
Em này mượn xe máy loại 50 phân khối (loại xe không yêu cầu phải có giấy phép lái xe) của bạn cùng lớp. Do không đội mũ bảo hiểm, nam sinh bị Đội CSGT thuộc Công an huyện Tiên Lãng yêu cầu về trụ sở để lập biên bản, đồng thời ra quyết định giữ xe máy vi phạm nói trên.
Sau khi về, học sinh này đã viết bản kiểm điểm gửi Ban Giám hiệu nhà trường trình bày lại sự việc, cam kết không tái vi phạm, đồng thời xin xác nhận của nhà trường theo yêu cầu của Công an thì mới được giải quyết việc trả xe (quy định của công an Hải Phòng là chỉ giải quyết việc trả xe vi phạm khi học sinh vi phạm ATGT có văn bản xác nhận của nhà trường).
Bản kiểm điểm đã không được nhà trường xử lý ngay. Ngày 28/3 - một tuần sau khi sự việc xảy ra, chủ nhân của chiếc xe đã uống thuốc chuột tự tử. Nguyên nhân được mẹ của em này cho biết là do nghĩ quẩn nên cháu mới tìm đến cái chết.
Rất may, thông tin mới nhất từ phía trường THPT Tiên Lãng cho biết, học sinh sau khi được đưa đi cấp cứu kịp thời đã qua cơn nguy kịch.
Trường THPT Tiên Lãng (Hải Phòng), nơi xảy ra sự việc đáng tiếc. Ảnh: Lao Động. |
Sau sự việc đáng tiếc, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở GT&ĐT Hải Phòng – thừa nhận, có văn bản của Công an TP. Hải Phòng gửi Sở GĐ-ĐT Hải Phòng phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến luật cho học sinh. Nhưng do trường áp dụng hơi cứng nhắc, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo ông Trường, sau việc này, Sở yêu cầu các trường phải có phương pháp giáo dục học trò chuẩn xác, áp dụng vào học sinh phải phù hợp và phải có giải pháp để “mềm hoá”, hiệu quả.
Học sinh lứa tuổi này với nhiều tâm lý bất ổn, giáo viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng để xử lý kịp thời các tình huống. Ảnh: D.H. |
Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam chiều 7/4 về tình huống trên, Thạc sĩ Vũ Thu Hà – chuyên gia tư vấn tâm lý độc lập, cho rằng, đây là bài học không hề nhỏ cho cả giáo viên và gia đình trong việc nắm bắt tâm sinh lý của học sinh.
“Một tình huống nhỏ, nhưng vì xử lý không thấu đáo và kịp thời nên suýt nữa đã khiến học sinh mất mạng. Đây là điều rất đáng tiếc. Học sinh ở lứa tuổi này rất nhạy cảm. Nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống vượt quá sức chịu đựng của các em, khiến em có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nghĩ quẩn làm liều” - bà Thu Hà nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Thu Hà, tất cả giáo viên đều được trang bị các kiến thức về tâm sinh lý của trẻ, thế nhưng trong thực tế, xử lý như thế nào lại cần đến kỹ năng của mỗi giáo viên. Bên cạnh việc chuyên môn, giáo viên cần chủ động nắm bắt những biến đổi tâm lý của học sinh để có cách giải quyết kịp thời. Trong trường hợp vượt quá khả năng của mình, giáo viên ngay lập tức cần có sự hỗ trợ từ phía phụ huynh để cùng tìm cách giải quyết.
“Cụ thể trong câu chuyện trên, thay vì cứng nhắc không giải quyết tình huống cho học sinh, giáo viên nên chủ động tìm hiểu sự việc. Nếu không thể giải quyết được, cần nhanh chóng có sự can thiệp của phụ huynh để phụ huynh đến trực tiếp làm việc với CSGT về vấn đề của em nam sinh này” - bà Hà nói.
Theo tìm hiểu của PV, có một thực tế hiện nay là nhiều trường học đang chịu áp lực không nhỏ đối với vấn đề chấp hành giao thông của học sinh, do bị “trên áp xuống”.
Theo chia sẻ của một giáo viên ở Hà Nội, tại trường nơi cô làm việc, giáo viên phải trực tiếp có mặt ở sân trường để đội mũ bảo hiểm cho học sinh hoặc nhắc nhở các em việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy.
Trở lại câu chuyện của nam sinh nói trên, chuyên gia Vũ Thu Hà nhìn nhận, bản thân giáo viên chịu không ít áp lực do bị áp chỉ tiêu, sợ bị kỷ luật… Trong khi đó, dưới họ là hàng chục học sinh, mỗi em một tính cách.
Chính vì vậy, giáo viên cần chủ động trang bị kiến thức về tâm sinh lý để có thể hiểu học trò cũng như kỹ năng xử lý tình huống. Giáo viên phải tìm các hệ thống hỗ trợ kịp thời để cùng tìm cách giải quyết vướng mắc của học sinh, đặc biệt là với cha mẹ các em, giúp các em vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi.