Với trẻ sơ sinh, khi thời tiết chuyển lạnh ngoài việc giữ ấm lúc ngủ thì tắm mùa đông cho trẻ như thế nào, tắm bao nhiêu lần một tuần là đủ,... cũng trở thành băn khoăn của nhiều bà mẹ.
Dưới đây là một số lưu ý về thời gian tắm, cách tắm cũng như những câu hỏi phổ biến xung quanh việc tắm mùa đông cho trẻ sơ sinh mà các bậc phụ huynh cần lưu ý.
Các chuyên gia cho biết, với các bé sơ sinh việc tắm quá sớm hoặc tắm quá muộn trong ngày đều cần phải tránh. Thời gian lý tưởng để tắm cho bé thường là từ 10h đến 10h30 buổi sáng hoặc từ 15h cho tới trước 16h buổi chiều.
Khi tắm cho trẻ vào mùa lạnh, thời gian tắm nên chỉ giới hạn trong khoảng 5 - 7 phút tính từ thời gian cha mẹ cho bé xuống nước cho tới khi đưa bé ra khỏi chậu tắm.
Bởi trẻ sơ sinh khi sinh ra thường bám những chất nhầy từ tử cung của mẹ và các lớp tế bào chết, mồ hôi, nước tiểu, phân đại tiện bám vào,... nên việc tắm cho trẻ sơ sinh là vô cùng quan trọng. Tắm là hoạt động giúp trẻ loại bỏ nguy cơ bị hăm, mẩn đỏ hay ngứa do không được vệ sinh sạch sẽ.
Tuy nhiên, vào mùa đông, tắm không phải là biện pháp duy nhất để giữ gìn vệ sinh cho bé. Các bác sĩ cho biết, tắm mùa đông cho trẻ chỉ nên từ 2 đến 3 ngày/1 lần. Hay nói cách khác là một tuần tắm từ 2 đến 3 lần là đủ. Bởi nếu tắm quá nhiều sẽ khiến bé dễ bị nhiễm lạnh và ốm do sức đề kháng còn quá yếu.
Những ngày không tắm, mẹ có thể sử dụng nước ấm và khăn bông mềm để lau người cho bé.
Việc tắm từ dưới lên trên sẽ giúp bé thích nghi với nhiệt độ nước tốt hơn, tránh bị sốc nhiệt. Đầu tiên mẹ nên rửa chân cho trẻ, cuối cùng cần gội đầu thật nhanh.
Trong quá trình tắm, nên đặt một chiếc khăn mềm lên ngực bé, thường xuyên dội từ từ nước ấm lên để bé không bị lạnh.
Như đã nói ở trên, vào mùa đông không cần thiết ngày nào cũng phải tắm cho trẻ nhưng cần vệ sinh cơ thể, nhất là những vùng dễ bị hăm như nách, mông, bẹn, rốn bằng nước ấm và khăn mềm. Sau khi lau bằng nước ấm xong thì cần thấm khô người trẻ và mặc quần áo vào ngay.
Đầu tiên, là vì da trẻ sơ sinh rất mềm mại và dễ bị kích ứng nên cha mẹ khi chọn sữa tắm cần ưu tiên có thành phần dưỡng ẩm nhẹ. Không nên chọn sữa tắm có thành phần hóa học, mùi quá thơm nồng sẽ gây kích ứng.
Ngoài ra, khi lau người cho bé không nên lau bằng bông vì điều này có thể khiến lớp dầu tự nhiên trên da của bé bị mất đi, da dễ bị khô và ngứa.
Một trong những nguyên tắc khoa học khi tắm mùa đông cho trẻ chính là tắm trước, sau đó lau khô người bé rồi mới gội đầu. Việc gội đầu sau cùng sẽ giúp não bộ tiếp nhận kịp thời với những thay đổi của cơ thể. Từ đó bảo vệ tốt não bộ của trẻ sơ sinh.
Việc để bụng đói rồi tắm cho bé dễ khiến trẻ cáu kỉnh, quẫy đạp trong lúc tắm và có thể gây trớ, ọc sữa. Ngoài ra, vừa ăn no xong cũng không nên tắm và lau người cho bé.
Vào mùa đông, do nhiệt độ giảm nên khi tắm cần chú ý tới vấn đề nhiệt độ phòng tắm. Các thiết bị hỗ trợ làm ấm phòng tắm như đèn sưởi cũng nên được tham khảo nếu nhà tắm quá lạnh.
Khi bật đèn sưởi hay quạt sưởi, lưu ý là không để các thiết bị này quay trực tiếp vào người bé vì da của trẻ sơ sinh vốn mỏng nên dễ bị khô thậm chí là bỏng.
Bà mẹ nào cũng biết nên tắm nước ấm cho trẻ vào mùa đông nhưng lại không biết nhiệt độ nước bao nhiêu là vừa đủ.
Các chuyên gia cho biết, nhiệt độ nước thích hợp để tắm cho trẻ sơ sinh vào mùa lạnh nên là từ 33 độ C đến 37 độ C. Để chắc chắn, mẹ nên sử dụng khuỷu tay hoặc cổ tay để cảm nhận độ ấm. Tốt hơn nữa thì nên dùng nhiệt kế chuyên dụng. Nếu dùng khuỷu tay hay cổ tay cảm nhận nước đủ ấm thì có nghĩa là nước đó đang bị quá nóng so với da bé.
Không nên pha nước quá nóng khiến trẻ bị khó chịu, không hợp tác cho những lần tắm tiếp theo hoặc gây bỏng da.
Trước khi tắm cho trẻ, nhất là tắm mùa đông cho trẻ sơ sinh cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ quần áo, bao tay, bao chân, khăn lau đầu, khăn lau người để trẻ không bị lạnh sau khi tắm xong.
Lúc lau người cũng cần chú ý. Mẹ nên đặt bé vào khăn rồi quấn kín lại từ đầu tới chân sau đó bế bé nhẹ nhàng để lau người. Một số bé sẽ bị tái môi sau khi ra khỏi chậu tắm. Vì thế việc ủ ấm đầy đủ là vô cùng cần thiết để giúp bé hồng hào trở lại.
Mẹ mở khăn lau ra đến đâu thì nên mặc quần áo cho bé tới đấy. Những bộ phận cơ thể cần lau khô đó là ngực, lưng, mặt và lòng bàn chân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn