Trốn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn bị xử lý thế nào?

17:30 | 11/08/2021;
2 tháng nay tôi cũng không có việc làm, cuộc sống rất căng thẳng. Vậy làm thế nào để có thể đòi được tiền cấp dưỡng cho con. Nếu anh ấy cố tình chây ì việc cấp dưỡng thì có bị xử lý không?

Hỏi: Tôi và chồng cũ ly hôn đến nay đã được hơn 1 năm. Theo quyết định của tòa án, tôi là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung do cháu còn nhỏ và anh ấy có nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng. Gần 1 năm đầu kể từ khi ly hôn, chồng cũ vẫn đều đặn gửi tiền cấp dưỡng. Tháng nào không gửi được thì anh ấy chủ động nhắn tin nói sẽ gửi bù vào tháng sau. Tuy nhiên, khoảng 5 tháng trở lại đây, kể từ khi anh ấy kết hôn với người khác thì không còn nhớ gửi tiền nuôi con nữa. Những tháng đầu giữ ý, khi tôi nhắn tin nhắc khéo thì anh ấy còn nhắn lại là đang khó khăn chưa gửi tiền cấp dưỡng cho con được. Nhưng 3-4 tháng liền mà anh ấy vẫn quên. Khi tôi nhắn tin thì anh ấy không trả lời, tôi gọi điện thì anh ấy gắt ầm lên và tắt máy. Sau đó, anh chặn luôn số của tôi. Có lần tôi đến nhà thì vợ anh ấy đóng cửa nói vọng ra "không có tiền, đừng quấy rầy". 2 tháng nay tôi cũng không có việc làm, cuộc sống rất căng thẳng. Vậy làm thế nào để có thể đòi được tiền cấp dưỡng cho con. Nếu anh ấy cố tình chây ì việc cấp dưỡng thì có bị xử lý không?

                                            Nguyễn Hoàng Oanh (KCN Song Khê - Nội Hoàng, Bắc Giang)

Trả lời: Điều 82 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó, khoản 2 nêu rõ: "Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con". Với trường hợp của bạn thì nghĩa vụ cấp dưỡng đã được quy định trong quyết định của tòa án đã có hiệu lực. Vì vậy, trước việc người cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, bạn có thể đề nghị cơ quan thi hành án hỗ trợ thi hành án. Căn cứ vào đề nghị cấp dưỡng của đương sự, cơ quant hi hành án sẽ tiến hành các bước yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thi hành án. Trường hợp không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án như khấu trừ vào thu nhập, tịch thu tài sản... để đảm bảo bản án được thi hành. Trường hợp tìm cách trốn tránh việc thi hành án như tẩu tán tài sản, che giấu thu nhập thực tế... khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng. Theo đó, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 185 Bộ luật Hình sự. Theo đó, trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án mà người cấp dưỡng không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn