Thảo luận tại tổ 14, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, băn khoăn với kết quả chỉ tiêu chưa đạt về tỷ số giới tính khi sinh. Mặc dù việc lựa chọn giới tính khi sinh đã bị cấm nhưng thực tế vẫn diễn ra với các hình thức khác nhau. Đây là vấn đề nhức nhối, bởi ngay từ khi trong bào thai đã bị đối xử bất bình đẳng, tước đi sự sống. Vì vậy cần tìm giải pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.
Bên cạnh đó, đại biểu Việt Nga cũng băn khoăn các chỉ tiêu có thời gian thống kê không đồng nhất, có chỉ tiêu 5 năm/lần như tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp; tỷ lệ thạc sĩ, tiến sĩ... Có nhiều chỉ tiêu thống kê hằng năm, hoặc 2 năm, sẽ khiến số liệu không kịp thời và thiếu tính thuyết phục, sẽ dẫn tới việc nhận định, đánh giá cũng như giải pháp sẽ không trúng.
Thảo luận tại tổ 19, đại biểu Lê Văn Khảm, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, đánh giá: Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác bình đẳng giới của nước ta đã đạt được tiến bộ nhất định. Tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt, đặc biệt là chi tiêu về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Con số này không chỉ phản ánh nhân khẩu học hay xã hội sau này mà còn phản ánh ngược về vấn đề bình đẳng giới của chúng ta có thực chất hay chưa. Bởi tỷ lệ này chứng tỏ người dân còn trọng nam khinh nữ và bằng mọi cách để sinh con trai. Trong một chừng mực nào đấy cần phân tích sâu về những chỉ số mà chúng ta đạt được.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho rằng cần phải thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về suy nghĩ "bình đẳng giới là giải phóng phụ nữ". Các phong trào bình đẳng giới nếu tiếp cận theo hướng này thì sẽ không thể tiến tới bình đẳng thực chất. Theo đại biểu Huân, cần phải có những đánh giá khách quan về các mục tiêu bình đẳng giới từ góc độ xã hội học; đồng thời thúc đẩy giáo dục về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ ngay từ khi trên ghế nhà trường. Qua đó giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết đúng về bình đẳng giới mới có biến chuyển thực chất về bình đẳng giới.
Thảo luận tại các tổ, nhiều ĐBQH cũng đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ tập trung tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả.
Đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu còn đạt kết quả thấp. Rà soát, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung đối với các mục tiêu, chỉ tiêu không còn phù hợp. Kịp thời nhận diện các vấn đề giới mới nổi để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Tăng cường hợp tác, cung cấp và chia sẻ dữ liệu thống kê giới, tổ chức khảo sát, nghiên cứu để có các số liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ...
(1) Theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh 113,6 bé trai/100 bé gái, tuy nhiên, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái (năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái) so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 111 bé trai/100 bé gái.
(2) Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ tử vong mẹ là 46/100.000 trẻ đẻ sống, ước tính đến năm 2025 còn 42/100.000 trẻ đẻ sống (chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 42/100.000).
(3) Tỷ lệ tỉnh, thành phố có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Hiện nay mới có 9 địa phương triển khai thiết lập cơ sở y tế riêng cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đối tượng này.
(4) Có khoảng 90,8% các xã phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở. So với chỉ tiêu là 100% đến năm 2025.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn