Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước những vụ giao dịch lan đột biến với giá trị cao, thậm chí vài chục tỷ cho đến hàng trăm tỷ đồng/giỏ. Nhiều người đã bỏ tiền hoặc thế chấp nhà, đất để đầu tư lan đột biến. Giá cả các loại lan đột biến cũng vì thế mà bị đẩy lên cao, từ vài trăm ngàn đồng đến vài tỷ đồng/cm.
Theo tìm hiểu của PV, các loại lan đột biến đang được săn lùng nhiều là phi điệp 5 cánh trắng có tên: Bảo Duy (hơn 1 tỷ đồng/cm), Bạch Tuyết, Gái Nhảy, Tiên Sa,… cho đến các loại trung bình như phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ (khoảng 1 triệu đồng/cm); 5 cánh trắng Hòa Bình (khoảng 8 triệu đồng/cm)… Không ít người đặt câu hỏi: Thế nào là lan đột biến? Lan đột biến có dễ nhân giống không? Tại sao giá lại cao "ngút trời" như vậy?...
Trao đổi với PNVN, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hoa, cây cảnh ở Việt Nam, cho biết, cây hoa lan là một loại thực vật, mà đặc tính của thực vât có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học. Biến dị sinh học chính là những biến đổi mới, mà cơ thể thực vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền. Biến dị sinh học bao gồm 2 loại, đó là biến dị di truyền và biến dị không di truyền.
Theo PGS. Đặng Văn Đông, biến dị không di truyền (còn gọi là thường biến) là những biến đổi liên quan đến kiểu hình (tức các tính trạng như hình dáng, màu sắc hoa, kích thước lá, chiều dài đốt...) không liên quan gì tới vật chất di truyền, nên không truyền lại các tính trạng này cho các thế hệ sau; hoặc nếu gặp điều kiện phù hợp thì có thể tự thay đổi về những tính trạng nguyên gốc. Biến dị di truyền là những biến đổi có liên quan tới vật chất di truyền. Trong loại biến dị di truyền lại bao gồm 2 dạng là biến dị tái tổ hợp và biến dị đột biến.
Biến dị tái tổ hợp là những tổ hợp sắp xếp gen mới, do lai tạo (thụ phấn) mà đời con thu được khác với bố mẹ do sự phân ly độc lập và sự trao đổi chéo của các gen.
Biến dị đột biến là những biến đổi bất thường trong vật chất di truyền ở cấp độ phân tử (AND, gen) hoặc cấp độ tế bào (Nhiễm sắc thể) dẫn đến sự biến đổi đột ngột của một hoặc một số tính trạng. Những biến đổi này có tính chất bền vững và có thể di truyền cho các đời sau.
Các chuyên gia cho rằng, đa số là đột biến gen là đột biến lặn và có hại, chỉ có một số ít có lợi. Những đột biến lợi có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống. Những cây trồng mang gen hoặc nhiễm sắc thể đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình của cơ thể gọi là cây đột biến.
PGS. Đặng Văn Đông cho rằng, việc xuất hiện "lan đột biến" là 1 hiện tượng tự nhiên của sinh vật, diễn ra ở mọi loại cây trồng, mọi loại sinh vật. Thực tế, lan đột biến có từ lâu nhưng trước đây mọi người chưa chú ý, nên ít ai nhắc đến, giờ đây mọi người quan tâm nhiều hơn.
Cũng theo PGS. Đặng Văn Đông, những cây lan đột biến mà chúng ta thấy (từ thực tế hoặc trên hình ảnh) chưa chắc đã phải là lan đột biến từ sự "biến dị đột biến" mà còn có thể là do biến dị tái tổ hợp. Tức là do quá trình thụ phấn (do con người hoặc do côn trùng, gió) đã tạo ra những hạt lan lai, để từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính của cây bố mẹ, khác màu hoa của cây bố, mẹ.
Trong một số cây mà mọi người gọi "đột biến", có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền). Tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định, sau đó nó sẽ trở về trạng thái, với những tính trạng ban đầu. Chính điều đó lý giải tại sao một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác.
Về nhân giống cây lan, PGS. Đặng Văn Đông cho biết, cây lan có thể nhân giống bằng hạt (hữu tính) và bằng giâm cành (vô tính). Nếu lan nhân giống bằng hữu tính thì hạt phấn sẽ bị phân ly, tức là cây con sẽ không còn giữ được đặc tính của cây mẹ nữa. Do vậy, phải nhân giống bằng vô tính mới giữ được đặc tính của cây mẹ. Nhân bằng vô tính cũng có 2 cách, đó là giâm cành bằng kie (các đốt thân) và nhân giống bằng Invitro (nuôi cấy mô). Nếu nhân bằng kie ngoài vườn ươm, hệ số nhân giống thấp, cây thường bị sâu bệnh hại, còn nhân bằng Invitro cây khỏe, hệ số nhân giống cao, sức sống cây con và cây sau này sẽ rất tốt nhưng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, trang thiết bị nhiều, hiện đại.
Liên quan đến lan đột biến, ngày 7/9/2020, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Văn Sỹ (SN 1986, trú Yên Thuỷ, Hòa Bình), để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, Sỹ rao bán lan và lừa lấy của bị hại 1,47 tỷ đồng.
Tiếp đó, tháng 11/2020, Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, anh Nguyễn Quang Diễn phát hiện gốc lan đột biến Hòa Bình trị giá 303 triệu đồng mua từ các đối tượng rao bán trên mạng. Tuy nhiên, cây lan của anh mua được các đối tượng dùng keo 502 dính lại, trong giò lan chỉ có 1 thân lan loại Hòa Bình, còn lại là phi điệp tím thường giá trị thấp.
Công an huyện Tân Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Bùi Văn Điệp (24 tuổi), Đinh Văn Đô (21 tuổi) và Đinh Văn Sự (31 tuổi), cùng ở huyện Yên Thủy, Hòa Bình, để làm rõ tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Với thủ đoạn tương tự, từ đầu năm 2020, các đối tượng Điệp, Đô, Sự đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo bán lan đột biến khác chiếm đoạt tài sản của nhiều người tại địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Ninh, Thanh Hóa... với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Mới đây, Cục Thuế tỉnh Sơn La, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu làm rõ các vụ giao dịch lan đột biến có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng được đưa lên mạng xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn