Trồng hoa thoát nghèo từ 50 triệu đồng vốn vay

08:01 | 24/08/2019;
Từ một hộ khó khăn của xã Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội), gia đình chị Nguyễn Thị Tình giờ đây đã thực sự đổi đời. Đó là nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Văn Khê để chi được vay 50 triệu đồng tiền vốn xóa đói giảm nghèo.
Nói về hoàn cảnh của gia đình chị Tình, những người dân xã Văn Khê không còn lạ. Từ năm 2013 trở về trước, hoàn cảnh gia đình chị thuộc diện khó khăn nhất nhì trong xã. Nhà chị có 5 nhân khẩu, mẹ già bị bệnh lao phổi quanh năm nằm viện, chồng bị bệnh về dạ dày phải mổ nên đau yếu liên miên, một con nhỏ bị u máu ở môi phải đưa đi hết bệnh viện này đến viện khác để chữa chạy. Kinh tế gia đình chị Tình chỉ trông vào mấy sào ruộng cấy lúa nên quanh năm thiếu ăn, nhiều năm liền là đối tượng hộ nghèo trong xã.
 
Không thể kể hết những cơ cực mà chị Tình phải trải qua để gồng gánh một gia đình mà hơn một nửa là người đau yếu, bệnh nặng. Chị Tình ngoài việc đồng áng còn phải đi làm thuê để lấy tiền trang trải cho gia đình, thiền thuốc men chữa bệnh cho mẹ, cho chồng, con, và tiền ăn học của hai đứa trẻ. Mỗi ngày qua đi là một ngày chị Tình cảm thấy tương lai ngày càng mờ mịt. Liệu chị có thể chèo chống được bao lâu trước khi kiệt sức?
 
Đang trong tình trạng tuyệt vọng, thì đầu năm 2013, chị được Hội LHPN xã Văn Khê xét vào diện hộ nghèo cần vay vốn để làm kinh tế. Gia đình chị Tình được Hội LHPN xã Văn Khê giúp đỡ thủ tục vay vốn 50 triệu đồng của ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời Hội còn vận động chị tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học về trồng và chăm sóc các loại hoa và các cây rau màu khác.
 
 
tnh.jpg
Chị Tình chia sẻ về câu chuyện thoát nghèo của mình 
 
Với số vốn được vay, chị Tình mạnh dạn vay thêm chị em phụ nữ trong chi hội, thuê thêm đất và đầu tư trồng một mẫu hoa hồng. Cuối năm 2013 với thu nhập từ hai vụ hoa, trừ chi phí và trang trải sinh hoạt gia đình, gia đình chị Tình còn trả được một phần số vốn của chị em phụ nữ giúp đỡ không lấy lãi.
 
“Đến năm 2014, tôi đã trang trải hết nợ nần và còn dư 70 triệu đồng, tôi quyết định thuê thêm 5 sào đất mới tiếp tục trồng hoa. Đời sống kinh tế tạm ổn lại được chị em trong đội văn nghệ của thôn vận động, tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian tham gia vào đội văn nghệ để có thời gian thư giãn sau những tháng ngày vất vả, gian truân. Đồng thời, bản thân còn tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với mô hình thực hành tiết kiệm”. Vợ chồng tôi cùng các con bàn bạc với nhau bằng cách nuôi lợn nhựa tiết kiệm trong chi tiêu, mỗi tháng tiết kiệm được 500.000 đồng. Tôi thường xuyên tuyên truyền vận động chị em trong chi hội tiết kiệm chi tiêu hàng ngày”, chị Tình cho biết.
 
Sau 2 năm được Hội LHPN xã Văn Khê giúp đỡ vay vốn, đến cuối năm 2015, với thu nhập từ 1,5 mẫu hoa gia đình chị đã có mức thu nhập ổn định, trả hết số vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội và còn mua được hai chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại và vận chuyển hoa.
 
“Không thể ngờ rằng gia đình tôi có thể thoát được nghèo và còn có thể làm kinh tế, xây được nhà, mua sắm được nhiều đồ dùng phục vụ đời sống. Tất cả là nhờ những tấm lòng của các cấp Hội phụ nữ xã Văn Khê. Các chị đã rất tận tâm và có trách nhiệm để những gia đình nghèo khó như tôi được đổi đời”, chị Tình nghẹn ngào chia sẻ.
 
Không chỉ làm cho bản thân và gia đình có cuộc sống sung túc, đầy đủ, chị Tình còn chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhiều chị em trong xã. Đồng thời, để góp phần xây dựng nông thôn mới, năm 2017, chị Tĩnh đã tuyên truyền, vận động các gia đình hội viên phụ nữ và nhân dân trong xóm đóng góp xã hội hóa với số ngày công và số tiền trên 2 tỷ đồng để xây dựng 3 tuyến đường bê tông trong xóm và trên 200m đường giao thông nội đồng đổ đá.
 
Chị Tình cho biết, chị cũng động viên thuyết phục những phụ nữ có hoàn cảnh như mình vươn lên để làm giàu, học thêm khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực hiện giúp cải thiện thu nhập, ổn định kinh tế. Với công tác ở Hội LHPN xã Văn Khê, chị thường động viên các chị em dồn điền đổi thửa để việc canh tác và sử dụng máy móc được dễ dàng hơn, đỡ ngày công đi lại vất vả của bà con. “Hy vọng mô hình này được nhân rộng hơn nữa để bà con nông dân không còn vất vả quá trong quá trình phát triển làng nghề, các cấp ban ngành có thể giúp đỡ để bà con nông dân có thêm thu nhập!”, chị Tình mong muốn.
 

Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Khê, cho biết: Chị Tình là một trong 14 người được Hội giúp đỡ cho vay vốn và thành công vượt nghèo. Hội Phụ nữ xã còn động viên chị Tình tham gia lớp học nghề kỹ thuật trồng cây hoa hồng chất lượng cao ngắn hạn trong 3 tháng.

Hiện nay Hội đã giúp chị em khó khăn được vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội để làm giàu, đồng thời hỗ trợ bà con kiến thức khoa học kỹ thuật để thực hành trồng hoa hồng và cây hoa màu. Tại xã Văn Khê giờ đây có một cánh đồng rộng vài héc ta chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa, mỗi một hộ hội viên phụ nữ đều có đất để trồng trọt. Hội LHPN xã Văn Khê cũng phối hợp với Hội Nông nghiệp nhận dự án trồng hoa hồng chất lượng cao về để thực hiện.

 

2n-copy.jpg
Bà Lê Thị Dung (phải) - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Khê và hội viên thoát nghèo thành công Nguyễn Thị Tình

  

Trong 3 năm có 14 hộ là diện hộ nghèo nhờ được vay vốn và học hỏi kiến thức trồng cây, hoa màu… đã vươn lên thoát nghèo không chỉ trồng trọt mà cả chăn nuôi. Những hộ nghèo này rất điển hình như những trường hợp của chị Tình, hay những chị em có người trong gia đình từ bố mẹ, vợ hoặc chồng ốm đau nhiều ngày, đông con; hoặc có hộ chồng chết, một mình nuôi 3 con nhỏ; cũng có hộ con bị tật nguyền bẩm sinh…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn