1. Anh Hoàng Kim Sơn, cán bộ quản lý kiêm hướng dẫn viên du lịch rừng nguyên sinh Khe Rỗ, đón chúng tôi bằng cái bắt tay… suýt trật khớp. Anh bảo “đã chuẩn bị cơm rau chờ các anh rồi”. “Cơm rau” của “chủ rừng” đơn giản chỉ có “gà bay trên ngọn cây rừng” mà Sơn nói ngắn gọn lại là “gà rừng”, cá trôi mắt đỏ nướng than và ốc suối hấp sả - đây là những món đặc sản mà người dân tộc thiểu số ở Khe Rỗ thường gọi là “hải sâm của rừng”.
Nhà sàn của những người kiểm lâm gác rừng Khe Rỗ |
Chúng tôi đến Khe Rỗ mùa cuối năm vào một ngày nắng ấm, xa trông trùng điệp núi non và mướt mát một màu xanh cây cỏ khuất ngút tầm mắt. Không gian tĩnh lặng xào xạc lá, rộn ràng chim hót và tiếng những thác nước nhỏ ầm ào khiến lòng lữ khách bâng khuâng, trùng lại sau những tháng ngày ồn ã, bon chen nơi phố thị.
Khói lam chiều trên bản của người Sán Chỉ ở Khe Rỗ |
Do ở địa hình núi cao nên Khe Rỗ có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Mùa hè nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 24 - 280C, mùa đông do địa hình núi cao khuất gió và những tán cây rừng rậm rạp đan xen nên khá ấm áp. Rừng nguyên sinh Khe Rỗ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh… mỗi dân tộc có những phong tục tập quán độc đáo đã tạo ra những nét văn hóa rất riêng, song chính những nét riêng ấy đã tạo cho cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng người các dân tộc nơi đây sự phong phú đa dạng.
Thác suối Khe Đin |
Đặc biệt khi vào sâu trong rừng Khe Rỗ, đến bản dân tộc Sán Chỉ với hơn 40 gia đình, được thưởng thức đặc sản địa phương như mật ong rừng nguyên chất, cá suối, ốc khe, bánh cốc mò, bánh vắt vai, cơm lam, nghe hát Then, đàn tính… mới cảm nhận hết được sự dung dị, yên bình.
2. Khi chuẩn bị hành trình đến với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, chúng tôi khá háo hức muốn biết 3 con suối lớn là suối nước Vàng, suối Khe Đin và suối Khe Rỗ. Lúc đã mục sở thị mới thấy suối nước Vàng đúng là có màu nước vàng như mật ong, còn suối Khe Đin lại có những đoạn thác cao tới 3 tầng, mỗi tầng tới cả chục mét, nếu là mùa mưa chắc lượng nước đổ xuống sẽ rất dữ dội, còn mùa đông này lưu vực thác là những hồ nước trong vắt nhìn thấu đáy.
2. Khi chuẩn bị hành trình đến với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, chúng tôi khá háo hức muốn biết 3 con suối lớn là suối nước Vàng, suối Khe Đin và suối Khe Rỗ. Lúc đã mục sở thị mới thấy suối nước Vàng đúng là có màu nước vàng như mật ong, còn suối Khe Đin lại có những đoạn thác cao tới 3 tầng, mỗi tầng tới cả chục mét, nếu là mùa mưa chắc lượng nước đổ xuống sẽ rất dữ dội, còn mùa đông này lưu vực thác là những hồ nước trong vắt nhìn thấu đáy.
Suối Khe Rỗ trong vắt |
Chính giữa rừng nguyên sinh Khe Rỗ là con suối lớn Khe Rỗ, con suối này có độ cao tăng dần từ Đông Bắc đến Tây Nam, chênh nhau đến 600-700m, tiếp giáp với huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh ở phía Nam và Đông Nam; với huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn ở phía Đông và Đông Bắc. Đặc thù của suối Khe Rỗ có rất nhiều tảng đá lớn nhỏ với hình thù khác nhau nằm ngổn ngang giữa dòng chảy, tạo nên nét hoang sơ và cũng rất riêng, rất lạ ít đâu có.
3. Được biết năm 2012, một tổ chức phi Chính phủ của Italia đã giúp chọn 10 gia đình người dân Khe Rỗ kiến thức ban đầu về cách thức làm du lịch cộng đồng, định hướng các gia đình tự đầu tư vốn làm các nhà sàn bản địa bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản phục vụ khách du lịch, có nhà vệ sinh khép kín, mua sắm xoong nồi, bát đĩa đủ ở mức tối thiểu. Chủ các gia đình được đầu tư hướng dẫn kỹ thuật nấu ăn, kỹ năng tiếp khách, nhất là khách nước ngoài như cách giao tiếp, chuẩn bị nơi ăn, nơi ở, bố trí các phần công việc phù hợp để khách cùng tham gia cấy trồng, lấy cây thuốc, đánh bắt cá suối, chế biến các món ăn dân tộc, du lịch mạo hiểm… Đến tháng 7/2014 thì các đội hát Then, đội hướng dẫn viên du lịch cũng lần lượt được thành lập.
3. Được biết năm 2012, một tổ chức phi Chính phủ của Italia đã giúp chọn 10 gia đình người dân Khe Rỗ kiến thức ban đầu về cách thức làm du lịch cộng đồng, định hướng các gia đình tự đầu tư vốn làm các nhà sàn bản địa bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản phục vụ khách du lịch, có nhà vệ sinh khép kín, mua sắm xoong nồi, bát đĩa đủ ở mức tối thiểu. Chủ các gia đình được đầu tư hướng dẫn kỹ thuật nấu ăn, kỹ năng tiếp khách, nhất là khách nước ngoài như cách giao tiếp, chuẩn bị nơi ăn, nơi ở, bố trí các phần công việc phù hợp để khách cùng tham gia cấy trồng, lấy cây thuốc, đánh bắt cá suối, chế biến các món ăn dân tộc, du lịch mạo hiểm… Đến tháng 7/2014 thì các đội hát Then, đội hướng dẫn viên du lịch cũng lần lượt được thành lập.
Nói thêm đôi chút về anh Hoàng Kim Sơn, cán bộ quản lý kiêm hướng dẫn viên du lịch rừng Khe Rỗ. Anh đã gắn bó hàng chục năm qua với Khe Rỗ, hiểu và thương cánh rừng hơn cả bản thân mình. Anh Sơn cũng là một trong những người đã cùng các cán bộ của Bộ Tài nguyên & Môi trường vác từng bao cát, gùi từng viên gạch, cân xi măng… vượt qua cả chục cây số đường rừng lên đỉnh Khau Tron xây mốc giới 3 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang vào tháng 3/1993. Anh chia sẻ: “Với tất cả những gì đã và sẽ có, hy vọng trong một tương lai gần, mọi tiềm năng đang còn tiềm ẩn dưới tán rừng Khe Rỗ sẽ được đánh thức, tài nguyên rừng được giữ gìn, phát triển. Rừng sẽ xanh hơn trong khi bản sắc văn hóa vẫn được giữ gìn”.