Sáng chủ nhật, con trai đi công tác mua mấy con cua bể về, hớn hở đưa mẹ làm nem cua cho cả nhà. Vừa bày ra định làm thì Thanh Tâm có điện thoại tư vấn, thế là quyết định ăn cua hấp cho nhanh.
Vợ chồng căng thẳng khi cô luôn chì chiết, mỉa mai sai lầm đã qua của chồng (Ảnh minh họa)
Cô mới có đứa con trai 2 tuổi. Trước khi có con, vợ chồng cô sống hạnh phúc, yêu thương nhau lắm. Khi cô sinh con, không biết vì cô mải miết với con mà sao lãng chuyện chăn gối với chồng hay vì đổ đốn ra mà anh chồng quan hệ với một cô gái khác. Cô điều tra ra đối tượng kia chẳng hay ho gì mà lại là gái bao, bị nhiều người coi thường, phỉ nhổ.
Bực tức xen lẫn thất vọng. Cô không thể hiểu nổi tại sao chồng mình lại sa ngã vào đối tượng như vậy. Thà rằng trái tim anh ta lạc lối vì một người xứng đáng, thà rằng anh ta đi “ăn bánh trả tiền”… và từ đó, cô trút mỗi bực tức, thất vọng lên đầu chồng. Ngay từ lần tra vấn đầu tiên anh đã xấu hổ nhận lỗi. Anh xin lỗi vợ trong nỗi sợ hãi, xin vợ tha thứ và hứa sẽ chấm dứt quan hệ với cô gái kia.
Nhưng dường như tất cả những việc làm ấy vẫn không khiến cho cô vợ nguôi ngoai. Cô tận dụng mọi cơ hội (tình cờ xem phim, bản tin vụ án, những câu chuyện tương tự phát trên đài…) để đay nghiến, chì chiết, mỉa mai chồng. “Những lúc ấy nhìn thấy mắt anh ta cụp xuống, mặt đỏ lên, cúi gằm, em vừa thấy tội nghiệp, vừa hả hê lắm”. Sau đó chồng cô thay đổi hẳn thái độ: cung cúc tận tụy với vợ con, luôn nhún nhường chịu đựng mỗi khi bị vợ “tra tấn”, khi có cơ hội là bày tỏ sự hối lỗi…
Đúng lúc cô có vẻ yên tâm nhất về chồng thì bỗng cô bắt gặp anh gọi điện cho cô gái kia. Cô lồng lộn lên vì tức giận. Trong khi nói chuyện với Thanh Tâm, cô không tiếc lời sỉ vả chồng là đồ hai mặt, đểu giả, phản bội… và, câu hỏi đau đáu của cô là: tại sao anh ta có vẻ hối hận, có vẻ chu đáo với vợ con thế mà lại vẫn thế?
Thật ra, câu trả lời ở đây rất đơn giản. Cô may mắn có được người chồng biết quay đầu lại, biết hối hận và sửa chữa sai lầm không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả hành động nữa. Chính cô cũng thừa nhận là anh ta thay đổi rất nhiều. Vậy mà anh ta có nhận được một lời động viên, khích lệ hay thái độ của vợ ghi nhận sự cố gắng của mình đâu. Trái lại, dù có cố gắng đến mấy, anh ta vẫn chỉ là kẻ tội đồ, vẫn nơm nớp lo sợ bị vợ “bóc mẽ” bất cứ lúc nào, bị tuyên án đi tuyên án lại, bị bêu riếu, luận tội hàng ngày. Lẽ ra, cô phải biết kiềm chế sự nóng giận của mình, biết dẹp tự ái sang một bên để tạo được không khí bình an cho gia đình, phải làm sao để mỗi khi về nhà, chồng nhận được sự yêu thương, che chở, bao dùng của những người thân, thấy được đây đúng là nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn. Cô không nên coi cô gái kia là đối thủ của mình bởi cô ta không xứng đáng. Vả lại, bên cạnh cô còn có đứa con, sau lưng cô còn có hậu thuẫn vững chắc là cha mẹ, họ hàng. Tất cả mọi người đều đứng về phía cô. Vậy mà cô lại dùng sức mạnh ấy để “giày xéo” tâm hồn anh. Thế thì làm sao anh ta lại không quay lại tìm nơi được an ủi, vỗ về là cô gái kia?
Thanh Tâm thấy cô vợ có vẻ căng thẳng bèn nói đùa rằng hoàn cảnh chồng em giống như người bị thương nặng. Anh ta được vợ chăm sóc chu đáo, chữa chạy vết thương. Nhưng, khi nó mới “hơi se miệng”, cô lại chọc vào viết thương đó một cái, thậm chí có lúc nó đã lên da non rồi, cô vẫn chọc tiếp. Vậy thì đến khi nào vết thương đó mới lành, hay không bao giờ lành được đây?
Nghe vậy cô gái phì cười. Tâm trạng cô có vẻ đã nhẹ nhõm nhiều. Thế mới biết, tha thứ là việc khó khăn vô cùng. Về nhận thức, ai cũng biết là nên tha thứ và nhiều người đã quyết định tha thứ. Nhưng vì cái tôi quá lớn, vì tự ái mà rồi trong lời nói, hành động, người ta lại thành người cố chấp, nhỏ nhen. Tha thứ không bao giờ thừa, và lòng bao dung có thể cứu vãn tất cả.