Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 3 bệnh mạn tính

15:59 | 25/09/2017;
Trung bình, một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại BV Lão khoa TƯ, một người thường mắc 5-6 bệnh khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Đó là thông tin được GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa TƯ đưa ra tại hội thảo “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng” nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT do Bộ Y tế tổ chức ngày 25/9.

Theo Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), năm 2016 Việt Nam có 10,1 triệu NCT chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi; khoảng 65,7% NCT sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. Số NCT tập trung đông nhất ở đồng bằng sông Hồng với 28% và ít nhất là Tây Nguyên (4%).

Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước có tốc độ già hóa dân số tăng nhanh nhất thế giới. Điều này đem lại những cơ hội tăng cường đầu tư, tăng cường chất lượng lao động đem lại các lợi ích kinh tế, nhưng đông thời cũng đặt ra nhiều thách thức.

Theo đó, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên nhưng gánh nặng bệnh tật cũng tăng theo. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT. NCT Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính, đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như ung thư, căng thẳng, trầm cảm về thâm thần.

_mg_0353.JPG
Toàn cảnh hội nghị

GS.TS Phạm Thắng cho rằng với việc già hóa dân số, mô hình bệnh tật cũng thay đổi. Một mặt, NCT đối phó với các bệnh lây nhiễm, mặt khác phải đương đầu với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính và thoái hóa như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ.

Theo nghiên cứu của BV Lão khoa TƯ, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại BV Lão khoa TƯ, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh. Vì vậy, khi điều trị NCT phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp.
tam-ly-nguoi-cao-tuoi-1.jpg
Người cao tuổi cần được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc NCT. Việt Nam cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc NCT tập trung vào các bệnh mạn tính. Cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách chăm sóc sức khỏe NCT trình Chính phủ, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn