Trứng muối được biết đến như một món ăn thông dụng để chế biến các món như: Tôm rang trứng muối, bánh bao, trứng muối ăn với cháo trắng… Ngoài ra, trứng muối còn có thể dùng để chế rất nhiều món ăn khác.
Thành phần dinh dưỡng có trong 100g trứng gà toàn phần như sau: 14,8g chất đạm; 11,6g chất béo; 55mg canxi; 2,70mg sắt; 210 mg phốt pho; acid béo không no nhiều nối đôi 1,36g; cholesterol 470mg, cùng nhiều chất khoáng chất, vitamin khác.
Sử dụng trứng muối hợp lý cũng tốt cho sức khỏe, thậm chí còn ngừa được ung thư gan. Ngoài ra, trứng muối còn giúp phòng ngừa các bệnh về mắt. Chất lutein và zeaxanthol trong trứng có tác dụng chống oxy hóa tốt, giảm mức độ thoái hóa của điểm vàng và đục thủy tinh thể của mắt.
Tuy nhiên, trứng muối không bổ bằng trứng tươi vì các chất dinh dưỡng như protein đã bị biến chất, các vitamin bị hủy gần hết và rất mặn do hàm lượng muối cao. Đồng thời, trong quá trình chế biến, người ta có thể sử dụng xút, vôi muối, chì ôxy hóa để ủ trứng. Nếu chì vào cơ thể quá hàm lượng cho phép sẽ gây hiện tượng ngộ độc chì, không tốt cho sức khỏe như: Đau đầu, giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới gan thận…
Mặt khác, chì còn gây ảnh hưởng tới sự hấp thu canxi. Bởi vậy nếu thường xuyên sử dụng trứng muối mà trong quá trình chế biến, sử dụng nguyên liệu chì vượt quá giới hạn, sẽ bị ngộ độc chì và gây thiếu hụt canxi, dẫn đến loãng xương và nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Vì thế, không nên ăn nhiều trứng muối.
Trứng muối cũng có nhiều cholesterol nên những người mỡ máu cao, tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân-béo phì và tim mạch nên ăn hạn chế, chỉ nên 1-2 quả/tuần. Ngoài ra, trứng muối cũng là thức ăn mặn, người bị tăng huyết áp nên hạn chế ăn vì sử dụng nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion Na sẽ được chuyển vận nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
Ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố gây nhiều stress trong cuộc sống sẽ tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng hoạt động của hệ Renin - angiotensin - aldosteron làm tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion Na vào nhiều trong tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, ăn nhiều muối gây tăng huyết áp nên khi đã ăn nhiều muối hay trứng muối thì bạn nên uống lợi tiểu thải muối để hạ huyết áp. Ngoài ra, chế độ ăn giàu kali có nhiều trong rau xanh, quả chín cũng có tác dụng thải natri, có tác dụng hạ huyết áp.