Theo dữ liệu chính thức của nước này, hơn 100 triệu người từ 60 tuổi trở lên đang sống một mình hoặc với vợ/chồng của họ. Ở các vùng nông thôn, nơi hệ thống an sinh xã hội kém hơn, người trong độ tuổi lao động thường chuyển đến làm việc ở các khu vực thành thị. Nhiều cha mẹ già sống không con cái thường được gọi là "những người già bị bỏ lại phía sau".
Theo điều tra dân số được thực hiện vào cuối năm 2020 của Trung Quốc, 264 triệu người, tương đương 18,7% trong số 1,4 tỷ dân số của nước này, từ 60 tuổi trở lên. Trong khi đó, quy mô gia đình cũng đã trở nên nhỏ hơn. Số người trung bình trong một hộ gia đình đã giảm xuống còn 2,6 so với con số 3,1 vào năm 2010.
Theo giáo sư Zhu Qin (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Dân số và Phát triển tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc), vấn đề quy mô gia đình giảm là do số người cao tuổi đang sống một mình gia tăng. "Tại Thượng Hải, miền đông Trung Quốc, nơi có tỷ lệ người cao tuổi đứng thứ hai trong số các tỉnh và thành phố ở Trung Quốc, hơn 40% người từ 60 tuổi trở lên sống độc lập", giáo sư Zhu nói.
Bày tỏ ý kiến về biện pháp mới, giáo sư Zhu cho biết: "Tôi nghĩ điều đó như một gợi ý cho mọi người. Biện pháp này sẽ có tác dụng vì hỗ trợ từ các thành viên gia đình đối với người cao tuổi đã được chứng minh là có chất lượng cao hơn bất kỳ nguồn hỗ trợ nào khác. Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy điều này".
Giáo sư Zhu lưu ý: "Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã thúc đẩy xây dựng viện dưỡng lão nhưng nhiều giường bệnh đang bị bỏ trống. Điều người cao tuổi Trung Quốc thường tìm kiếm là sự thoải mái từ gia đình. Vì vậy, chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ từ cộng đồng và các thành viên trong gia đình", ông nói.
Wang Lixia, một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải, đã mời cha mẹ đến sống cùng mình vào 3 năm trước. Lúc đó, cha mẹ của Wang đang sống ở quê tại tỉnh Thiểm Tây. "Một mặt, chúng tôi cần cha mẹ giúp đỡ chăm sóc các cháu. Mặt khác, khi cha mẹ già đi, chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ", người đàn ông 36 tuổi nói.
Huang, người đã thuê căn hộ khác trong cùng một khu dân cư cô sống với giá hơn 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,8 triệu đồng) mỗi tháng cho cha mẹ, nói: "Bỏ qua vấn đề về tài chính, thói quen sống và quan điểm khác nhau trong việc nuôi dạy con cái của chúng tôi khiến chuyện cãi vã xảy ra hằng ngày. Chưa kể, mua nhà ở Thượng Hải là quá đắt".
Trong khi đó, một số người dân Thượng Hải cho biết, thật khó để sống gần với cha mẹ họ. Zhang, một người có cha mẹ ở độ tuổi 70, chia sẻ: "Cha mẹ tôi cho rằng thật lãng phí nếu thuê một căn hộ gần tôi. Cha mẹ tôi có căn hộ riêng ở ngoại ô. Họ có hàng xóm và bạn bè thân thiết gần đó. Từ trung tâm thành phố đến đó mất hơn một giờ đồng hồ".
Nói về việc sống gần cha mẹ, Zhang cho biết: "Tôi không nghĩ rằng sống gần là cách duy nhất để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ. Luôn nhớ về cha mẹ và thường xuyên đến thăm họ cũng là một cách".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn