Trung Quốc: Cô dâu tung clip mặc váy cưới tìm cha mẹ ruột

14:31 | 24/06/2022;
Trước hôn lễ, Bạch Tuyết Phương (thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đã mặc váy cưới và quay một đoạn video ngắn để tìm lại người thân thất lạc.

Câu chuyện đằng sau video mặc váy cưới để tìm người thân

Trong video, Bạch Tuyết Phương mặc áo cưới màu đỏ truyền thống của Trung Quốc, trang điểm vô cùng xinh đẹp. Trong tay cô là tấm ảnh chụp mình hồi nhỏ.

Cô chia sẻ, video đó chỉ dài gần hai phút, nhưng trong quá trình quay, cô đã khóc rất nhiều lần. "Tôi làm lễ cưới vào ngày 18/6. Video đó tôi quay vào mấy ngày trước buổi lễ. Tôi rất hy vọng cha mẹ ruột có thể thấy được video đó, rồi đến tham gia hôn lễ của tôi. Tôi rất nhớ cha mẹ", Bạch Tuyết Phương cho biết.

Cô còn nói thêm rằng: "Khoảng năm 1998, khi tôi tầm 3 - 4 tuổi, tôi bị bắt cóc rồi bán cho cha mẹ nuôi. Tôi hoàn toàn không nhớ gì về khoảng thời gian trước khi bị bắt cóc. Hiện tại, tôi chỉ có một bức ảnh được chụp sau khi đến nhà cha mẹ nuôi này thôi".

"Nếu như cha mẹ có thể tham gia hôn lễ của tôi thì thật tốt. Tôi nghĩ rằng kết hôn là việc lớn của đời người, không có cha mẹ ruột chứng kiến thì rất đáng tiếc". Ngày 18/6, Bạch Tuyết Phương đã làm lễ cưới với chồng, nhưng cha mẹ ruột của cô vẫn không xuất hiện.

Câu chuyện cảm động của cô dâu Trung Quốc mặc váy cưới đi tìm người thân - Ảnh 2.

Bạch Tuyết Phương bên tấm ảnh lúc nhỏ

Video của Bạch Tuyết Phương được cư dân mạng vô cùng quan tâm. Nhiêu người dùng mạng xã hội đã dành cho cô những lời động viên và chúc phúc, cũng như cung cấp thêm thông tin để cô tìm cha mẹ ruột. Một tài khoản bình luận: "Xin chào, em gái út của tôi cũng đang mất tích. Con bé sinh năm 1997. Trông bạn hồi nhỏ rất giống các em tôi, tôi hy vọng được liên hệ với bạn".

Đối với sự giúp đỡ của cư dân mạng, Bạch Tuyết Phương bày tỏ cảm kích: "Các bạn trên mạng nhiệt tình lắm. Chúng tôi rất biết ơn mọi người. Mấy ngày nay tôi và chồng vẫn đang đọc bình luận, trả lời tin nhắn của cộng đồng mạng".

Cô cũng cho biết sau khi video được đăng tải, cảnh sát khu vực cũng rất quan tâm đến việc này. Sáng ngày 21/6, cô và chồng đã cùng đến sở cảnh sát để phối hợp điều tra.

Đứa trẻ bị bán với giá 1000 NDT

"Tôi không nhớ hồi đó mình bao nhiêu tuổi, cũng không nhớ mình sinh ngày bao nhiêu. Tôi chỉ biết năm 2002, tôi đã đến nhà cha mẹ nuôi ở Bảo Định, Hà Bắc", Bạch Tuyết Phương bình tĩnh kể lại quá khứ của mình. Cô cho biết từ năm 2002, cô đã sống ở huyện Lễ thuộc thành phố Bảo Định trong một thời gian dài. Trước khi nhận nuôi Bạch Tuyết Phương, cha mẹ nuôi của cô đã có một người con trai.

Năm 11 tuổi, Bạch Tuyết Phương nghe hàng xóm đồn đại sau lưng rằng cô là đứa con được cha mẹ mua về. Hơn nữa thái độ của cha mẹ đối với cô vốn không tốt, nên cô mới bắt đầu nghi ngờ về thân thế thực sự của mình: "Năm tôi 15 tuổi, hàng xóm lại nói chuyện này ngoài đường. Tôi nghe thấy liền quay về hỏi mẹ nuôi. Mẹ nuôi tôi bảo họ tưởng tôi đã biết từ lâu rồi. Bà thừa nhận chuyện hàng xóm nói không sai, quả thật tôi không phải con đẻ của họ".

Bạch Tuyết Phương không chia sẻ nhiều về hoàn cảnh cha mẹ nuôi. Cô nói từ năm 2018 trở đi, cô đã không còn liên lạc với nhà cha mẹ nuôi nữa.

Về những chuyện xảy ra trước năm 2002, Bạch Tuyết Phương đã không còn nhớ gì cả. Cô chỉ được nghe qua lời của cha mẹ nuôi: "Cha mẹ nuôi tôi nói, họ đã tốn 1000 NDT để mua tôi từ tay một người phụ nữ. Kẻ buôn người đó nói tôi quê ở Quý Châu, vì trong nhà nhiều con quá nên cha mẹ không nuôi nổi tôi, thế nên mới đưa tôi cho người khác".

Theo những gì cha mẹ nuôi kể, Bạch Tuyết Phương còn biết rằng, trước đó cô đã bị bán đi hai lần: "Nhà đầu tiên là một bà lão không có con, sống nhờ nghề nhặt phế liệu. Đến chuyện ăn mặc của chính mình, bà ấy còn không bảo đảm được, vậy nên bà ấy không nuôi tôi nữa. Nhà thứ hai là một đôi vợ chồng trung niên, vì tôi khóc quá nhiều nên họ không thích tôi. Thế là họ trả tôi cho kẻ buôn người. Sau đó tôi lại bị bán đến nhà cha mẹ nuôi".

Để tìm hiểu thêm về quá khứ của Bạch Tuyết Phương, ngày 21/6, phóng viên Jimu News cũng đã tìm đến một số cư dân bản địa khác để hỏi chuyện, nhưng họ đều nói rằng mình không biết rõ việc này.

Vừa làm lụng vất vả, vừa tìm kiếm người thân

"Khi ấy đã có rất nhiều người theo dõi. Đoạn video đó có đến hơn 60 triệu lượt xem, cộng đồng mạng nhiệt tình cung cấp rất nhiều thông tin, nhưng đáng tiếc sau khi đối chiếu, thì thông tin đều không trùng khớp", Mã Thuỷ Phong - một tình nguyện viên từ thiện chuyên giúp người khác tìm kiếm người thân thất lạc chia sẻ.

Trung Quốc: Cô dâu tung clip mặc váy cưới tìm cha mẹ ruột - Ảnh 2.

Bạch Tuyết Phương vừa làm lụng vất vả, vừa tìm kiếm người thân

Chồng của Bạch Tuyết Phương, Tiểu Đoạn cũng chia sẻ với phóng viên: "Tuyết Phương khổ lắm. Tôi vẫn luôn động viên cô ấy tìm cha mẹ ruột. Cha mẹ tôi cũng rất ủng hộ chuyện này. Việc tìm đến anh Mã Thuỷ Phong xin giúp đỡ cũng là tôi động viên cô ấy đi". Tiểu Đoạn cho biết anh rất thông cảm với hoàn cảnh của vợ, đồng thời khẳng định sẽ cố hết sức để giúp cô tìm người nhà.

Đối với việc này, Bạch Tuyết Phương cũng bày tỏ sự biết ơn: "Cha mẹ chồng đối xử với tôi rất tốt. Hôm tổ chức lễ cưới, mẹ chồng nói với tôi rằng sau này tôi sẽ là con gái ruột của bà".

Hiện nay, Bạch Tuyết Phương và chồng đã về quê, mua một xe bánh nướng chảo để kinh doanh. Trên xe bán bánh, cô đã dán ảnh và thông tin tìm người thân của mình. Bạch Tuyết Phương khẳng định, mình sẽ không bỏ qua bất kì cơ hội nào để tìm lại cha mẹ ruột.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn