Truyền thông Trung Quốc đưa tin, đám cưới của một chàng trai trẻ ở tỉnh Hồ Bắc, hồi đầu tháng 1 đã phải huỷ bỏ sau khi số tiền thách cưới của phía nhà cô dâu ban đầu là 150.000 nhân dân tệ (515 triệu VND) bất ngờ được gia đình cô tăng lên 200.000 nhân dân tệ (687 triệu VND).
Một sự việc tương tự đã xảy ra vào tháng 4 năm ngoái khi một anh chàng đến từ huyện Trịnh Ninh, tỉnh Cam Túc, thông báo rằng anh chuẩn bị cưới bạn gái của mình. Tuy nhiên cặp đôi này đã không thể đến được với nhau vì gia đình nhà gái yêu cầu sính lễ quá cao.
Vào tháng 2 năm 2022, một đoạn video đăng tải trên Bilibili đã gây xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc. Đoạn video có tiêu đề “Không có 500.000 nhân dân tệ (gần 1.8 tỉ đồng) sính lễ, bạn gái tôi bị gia đình lôi đi. Tôi nên làm gì?". Chủ nhân video cho biết, anh bị bố mẹ bạn gái phản đối chuyện kết hôn bởi không có đủ 500.000 nhân dân tệ làm sính lễ. Thậm chí, khi anh và bạn gái đã cùng mua nhà, gia đình vẫn đến để bắt ép con gái về nhà.
Có rất nhiều trường hợp tương tự đã được ghi nhận ở Trung Quốc và hiện tại, các nhà chức trách đang cố gắng xoá bỏ tập tục này. Lý do là khuyến khích hôn nhân, từ đó sẽ thúc đẩy tỷ lệ sinh ở đất nước trong bối cảnh tỷ lệ dân số Trung Quốc giảm mạnh.
Sính lễ, là khoản tiền mà chú rể tương lai trả cho nhà gái để thể hiện lòng thành và sự giàu có của mình, đồng thời đây còn là một sự “đền bù” mà nhà chồng dành cho bố mẹ cô dâu vì đã nuôi dạy con gái.
Các nhà xã hội học cho rằng sính lễ tương tự của hồi môn, nhưng đây là số tài sản mà chú rể tương lai trả cho nhà gái, thay vì từ cô dâu cho nhà trai. Đây là một trong những phong tục kết hôn ở Trung Quốc cổ đại kể từ thời Tây Chu (1046 TCN đến 771 TCN). Tục thách cưới vẫn tiếp tục vào thời Trung Hoa Dân Quốc (1912 – 1949) và thậm chí còn tồn tại cho đến những năm 1960. Tập tục này từng bị cấm, nhưng bắt đầu trở lại vào cuối những năm 1970.
Manya Koetse, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và là biên tập viên của What’s on Weibo, trong một báo cáo đã chỉ ra rằng tập tục này vẫn còn tồn tại đến ngày nay: “Vào những năm 1950, 60, 70, sính lễ có thể là một chiếc bình giữ nhiệt hoặc chăn chiếu. Sau này sính lễ là đồ nội thất, radio hay đồng hồ đeo tay. Bước vào những năm 1980, sính lễ có thể là một chiếc tivi hoặc tủ lạnh. Và kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, đó là lúc sính lễ bắt đầu chuyển thành tiền mặt”.
Tuy nhiên, giá sính lễ đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tờ The Economist năm 2017 đã đưa tin: “Giá sính lễ đã tăng vọt, gây rối loạn tình hình xã hội và kinh tế của Trung Quốc”.
Vào tháng 6 năm 2013, bản đồ giá sính lễ toàn quốc của Trung Quốc lần đầu tiên được phát hành trên trang Sina Microblog. Theo đó, giá sính lễ đạt mức cao nhất ở Thượng Hải, tương đương một ngôi nhà và 100.000 nhân dân tệ (343 triệu VND). Mức giá sính lễ trung bình này tương đối cao so với tổng thu nhập bình quân đầu người hằng năm của người dân Trung Quốc.
Một trong những nguyên nhân lớn khiến cho giá sính lễ tăng vọt là sự chênh lệch về tỉ lệ giới tính. Vào năm 2022, tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc là khoảng 105 nam trên 100 nữ. Sự chênh lệch này phần lớn là do chính sách một con và quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở xã hội Trung Quốc.
Nhiều địa phương ở Trung Quốc gần đây đã bắt đầu tích cực thúc đẩy việc ngăn chặn những gì mà họ cho là hành vi không lành mạnh.
Vào ngày 30/1, một thị trấn ở phía đông nam tỉnh Giang Tây đã yêu cầu 30 phụ nữ độc thân ký cam kết từ chối những món sính lễ đắt tiền, hãng truyền thông The Paper đưa tin vào ngày 8/2.
Tại tỉnh Hà Bắc, chính quyền đang cải cách phong tục hôn nhân, bao gồm cả việc kiểm soát "phong tục hôn nhân không lành mạnh" - chẳng hạn như sính lễ đắt tiền và trò chơi phản cảm trong lễ cưới.
Tờ China Daily cho biết vào năm 2015, Bắc Kinh từ lâu đã không khuyến khích việc thách cưới. Tuy nhiên, vẫn có gần 3/4 các cuộc hôn nhân liên quan đến phong tục thách cưới, theo một cuộc khảo sát năm 2020 trên 1.846 người dân Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang triển khai các biện pháp khuyến khích khác để mọi người sinh con. Chẳng hạn, thành phố Hàng Châu của Trung Quốc đang trao khoản trợ cấp 2.900 đô (68 triệu VND) cho các bậc cha mẹ sinh được người con thứ ba trong năm nay. Một số thành phố khác đang cho nghỉ kết hôn gần 30 ngày để tăng tỷ lệ sinh.
Tuy nhiên, các biện pháp khuyến khích vật chất có lẽ vẫn chưa đủ để tạo động lực khiến các gia đình muốn sinh con. Nhiều người thuộc thế hệ Gen Y (1982-1994) tại Trung Quốc không kết hôn ngay từ đầu vì một số lý do như chi phí và lựa chọn cá nhân.
Giáo sư Stuart Gietel-Basten, chuyên về chính sách dân số tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, đã chia sẻ với Insider: “Chúng ta cần phải đi sâu vào những nguyên nhân nội tại để giải quyết vấn đề này. Nếu phụ nữ cảm thấy kết hôn như một bước lùi trong sự nghiệp thì đó có thể là dấu hiệu của những thách thức, bế tắc khác trong xã hội”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn