Lý Cảnh Vĩ, 37 tuổi, người bị bắt cóc từ khi còn nhỏ tuổi đã tìm thấy mẹ ruột của mình thông qua tấm bản đồ quê hương vẽ theo ký ức. Trên mạng xã hội Douyin (TikTok Trung Quốc), anh Lý cho biết tấm bản đồ đã giúp cảnh sát xác định được nơi anh sinh ra và cuối cùng giúp anh đoàn tụ với cha mẹ ruột.
Anh Lý, người không nhớ tên khai sinh, sinh ra ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Anh bị hàng xóm bắt cóc khi 4 tuổi và bán đến tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cách đó gần 2.000 km. Tại đây, Lý được bán cho gia đình đã nuôi lớn anh.
Lý cung cấp mẫu máu cho chính quyền và bắt đầu vẽ những gì anh có thể nhớ về ngôi làng quê hương. Anh cũng đăng tải hình ảnh lên mạng để tìm thêm manh mối về nơi mình sinh ra. Cuối cùng, ngày 24/12, cảnh sát đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm xuống một ngôi làng gần thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam. Các nhà chức trách sau đó đã xác định và tìm thấy một người phụ nữ có khả năng là mẹ của anh Lý; kết quả xét nghiệm ADN chính thức chứng minh cả hai là mẹ con ruột. Hai người có cuộc gặp mặt vào ngày 1/1/2022. Theo chính quyền địa phương, cha của anh Lý không còn sống.
Lý cho biết anh được truyền cảm hứng để tìm kiếm gia đình ruột thịt sau khi biết những câu chuyện nổi tiếng của ông Quách Cương Đường và Tôn Hải Dương, hai trường hợp có con bị bắt cóc nhưng đã đoàn tụ trong năm 2021. "Tôi nhận ra rằng tôi không thể chờ đợi thêm nữa vì giờ đây cha mẹ tôi đã già. Tôi lo lắng rằng khi biết về cội nguồn của mình, họ có thể đã qua đời", anh nói với Đài truyền hình Hà Nam gần đây.
Ông Quách là người cha nổi tiếng trong lòng người dân Trung Quốc vì cuộc tìm kiếm con trai mất tích kéo dài 24 năm của mình. Ông chia sẻ thông tin về vụ bắt cóc trên xe máy, đi khoảng 500.000 km trên khắp 20 tỉnh thành Trung Quốc tìm manh mối. Trong thời gian tìm con, ông bị tai nạn giao thông, gãy xương, hỏng hơn 10 chiếc xe. Ông đã đoàn tụ với con trai của mình vào tháng 7 năm ngoái. Câu chuyện của Quách đã được dựng thành phim điện ảnh năm vào 2015 với tên gọi "Lost and Love" với sự tham gia của nam diễn viên Hong Kong Lưu Đức Hoa. Cũng mới đây, đầu tháng 12/2021, ông Tôn Hải Dương, người trở thành nguồn cảm hứng để dựng lên bộ phim "Dearest" về nạn buôn người, đã đoàn tụ với con trai sau hành trình tìm con suốt 14 năm. "Khi tôi nghe câu chuyện của ông Quách, tôi tự nghĩ mình nên cố gắng tìm cha mẹ ruột của mình. Tôi muốn gặp lại cha mẹ khi họ vẫn còn sống", anh Lý chia sẻ.
Hình ảnh về quê hương mà anh Lý vẽ ra khiến nhiều người ở Trung Quốc kinh ngạc. Chúng bao gồm chi tiết về hình dáng những ngôi nhà và cách người dân sử dụng những chiếc xô lớn bằng gỗ để nấu cơm. "Sau khi bị bắt cóc, tôi nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ về nhà, nhưng tôi không thể nhớ tên quê hương của mình, vì vậy tôi chỉ có thể cố gắng nhớ nó trông như thế nào. Lúc nhỏ mỗi khi tâm trạng không vui, nỗi nhớ nhà càng da diết, tôi cầm gậy vẽ cảnh quê hương lên đất. Tôi đã hình thành thói quen này ít nhất một lần một ngày", anh nói với The Paper.
Từ khi còn nhỏ, anh Lý đã rất nhớ nhà và luôn muốn tìm lại cha mẹ ruột. Khi còn là sinh viên, anh không biết gì cả, Internet chưa phát triển như hiện tại, anh thực sự không chắc liệu mình có gặp lại cha mẹ được không. Anh đã từng hỏi cha mẹ nuôi về nơi sinh của mình, nhưng họ không biết; bọn buôn người cũng không nói thật nên rất khó lần theo manh mối. Lúc đó, Lý chưa biết có công nghệ ADN, anh luôn cảm thấy việc tìm kiếm người thân giống như mò kim đáy bể, tốn rất nhiều tiền nên đến Quảng Đông và cố gắng kiếm tiền.
Lý không đề cập đến chuyện anh sẽ giải quyết mối quan hệ với cha mẹ nuôi như thế nào. Tuy nhiên, anh cho biết cha mẹ nuôi rất tốt, họ từ nhỏ đã dạy anh những đạo lý làm người, cho anh có cơ hội học tập tốt và tương lai thành tài. Theo SCMP, gần đây, nhiều người bị bắt cóc không truy tố cha mẹ đã nuôi vì mối quan hệ tốt đẹp giữa họ với gia đình đã nuôi dưỡng.
Tính đến tháng 11, hơn 8.300 trẻ em mất tích trong nhiều thập kỷ trước đã được tìm thấy bởi sáng kiến mang tên "Đoàn Viên", hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã đưa tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn