Đầu tháng 6/2021, anh Lý Dương, một công dân sinh sống tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đến xin việc tại một công ty vệ sinh địa phương. Sau đó, anh được công ty thông báo trúng tuyển và yêu cầu tới nhận việc vào ngày hôm sau. Ngày 6 tháng 6, anh Lý có mặt tại công ty lúc 8 giờ 30 sáng, sau khi được phát dụng cụ vệ sinh và quần áo lao động, anh cùng nhân viên quản lý di chuyển đến khu chung cư gần đó và bắt đầu công việc của mình.
Anh lý cùng quản lý di chuyển đến khu vực làm việc (Ảnh minh họa: 163.com)
Tuy nhiên, chỉ sau 6 phút làm việc, anh Lý đột ngột ngất xỉu không rõ nguyên nhân ngay tại nơi làm việc. Mặc dù đã được đưa đến bệnh viện ngay sau đó, anh Lý vẫn không qua khỏi do chấn thương sọ não nghiêm trọng.
Sau khi chồng ra đi đột ngột, chị Trương Hồng, vợ của anh Lý cho rằng: Công ty vệ sinh cần có trách nhiệm bồi thường cho cái chết của chồng mình. Tuy nhiên, phía công ty vệ sinh hoàn toàn bác bỏ đề nghị này, bởi họ cho rằng giữa anh Lý và công ty chưa ký hợp đồng lao động, vì vậy anh chưa phải là nhân viên của công ty, và công ty không có trách nhiệm bồi thường cho tai nạn của anh.
Sau khi nhận được phản hồi, chị Trương Hồng đã tìm đến luật sư Vương Kim Hải của Văn phòng Luật Doanh Khoa Bắc Kinh, chi nhánh thành phố Đại Liên nhờ làm đơn gửi tới Hội đồng Trọng tài lao động yêu cầu phân xử và xác nhận trách nhiệm bồi thường của công ty vệ sinh trong vụ tai nạn của anh Lý.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Hội đồng Trọng tài lao động đã yêu cầu Luật sư cung cấp bằng chứng chứng minh giữa anh Lý và công ty vệ sinh có phát sinh mối quan hệ sử dụng lao động vào ngày xảy ra sự việc đáng tiếc.
Đầu tiên, luật sư Vương đưa ra bằng chứng từ camera an ninh tại hiện trường, đoạn video cho thấy: Trước khi sự việc xảy ra, anh Lý đang mặc đồng phục của công ty vệ sinh và thực hiện công tác dọn dẹp tại khu vực chung cư do công ty vệ sinh quản lý. Không lâu sau đó anh bất ngờ ngất xỉu khiến phần đầu đập mạnh xuống đất. Ngay lập tức, đồng nghiệp đã gọi cấp cứu, đơn vị y tế cũng có mặt kịp thời và đưa anh lên xe cứu thương tới bệnh viện. Ngoài ra, một đoạn video từ camera an ninh khác cũng cho thấy Trương Hồng đã tới văn phòng của công ty vệ sinh yêu cầu cung cấp bản photo chứng minh thư và thẻ ngân hàng nhận lương của anh Lý.
Chị Trương Hồng nộp đơn lên Ủy ban Trọng tài để yêu cầu Công ty vệ sinh chịu trách nhiệm (Ảnh minh họa: Sohu)
Đánh giá dựa trên tư liệu Luật sư cung cấp, Hội đồng Trọng tài lao động cho rằng: Công ty đã ký hợp đồng dịch vụ đảm bảo vệ sinh cho khu chung cư nơi xảy ra vụ việc, mặc dù anh Lý chưa chính thức ký hợp đồng lao động với công ty vệ sinh, tuy nhiên anh đã được công ty phát quần áo lao động và dụng cụ vệ sinh, đồng thời làm việc trong khu vực mà công ty phụ trách, vì vậy Lý Dương có thể được coi là nhân viên vệ sinh của công ty, tức giữa anh Lý và công ty vệ sinh đã có phát sinh quan hệ lao động vào ngày anh qua đời. Kết luận này đồng nghĩa với việc: Công ty vệ sinh có trách nhiệm phải bồi thường cho tai nạn của anh Lý.
Do công ty vệ sinh chưa mua bảo hiểm thương tật liên quan đến công việc cho nhân viên của mình, vì vậy theo các quy định và điều luật liên quan, công ty phải chịu các khoản phí trợ cấp thương tật liên quan đến công việc của anh Lý, bao gồm cả phí tang lễ. Tiêu chuẩn trợ cấp một lần tử vong do tai nạn lao động bằng 20 lần thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân đô thị trên toàn quốc. Theo dữ liệu do Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 17 tháng 1 năm 2023, mức thu nhập khả dụng bình quân đầu người trên toàn quốc là 49,283 NDT (tương đương khoảng 168 triệu VNĐ).
Nói cách khác, tiêu chuẩn bồi thường liên quan đến tử vong do tai nạn lao động ở thời điểm hiện tại tại Trung Quốc là 985,660 NDT (tương đương với hơn 3.3 tỷ VNĐ). Thêm vào đó, công ty này cũng sẽ phải chi trả chi phí tang lễ và tiền lương trung bình của người lao động làm việc trong 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc công ty vệ sinh sẽ phải chi trả khoảng hơn 1 triệu NDT (khoảng hơn 3,4 tỷ VNĐ) cho 6 phút làm việc của anh Lý Dương vì chưa ký Hợp đồng lao động và chưa đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên.
Ngành công nghiệp vệ sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro lao động (Ảnh: Sohu)
Sau khi vụ việc được đăng tải, kết quả phán quyết của Hội đồng Trọng tài lao động đã làm dấy lên nhiều tranh cãi từ dư luận. Một bộ phận độc giả cho rằng đây là tai nạn ngoài ý muốn, cả người lao động và phía công ty vệ sinh đều chịu thiệt hại lớn, vì vậy cần giảm bớt trách nhiệm của phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng phía công ty vệ sinh đã không làm đúng trách nhiệm trong quá trình sử dụng lao động, vì vậy cần đưa ra hình phạt xác đáng.
Trên thực tế, ngành công nghiệp vệ sinh luôn là ngành có độ rủi ro cao, trong công việc có nhiều yếu tố nguy hiểm như làm việc trên cao, sử dụng hóa chất tẩy rửa độc hại. Do đó, các công ty vệ sinh phải mua bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động theo quy định để bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại nơi làm việc.
Sự việc này một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định liên quan trước khi bố trí người lao động làm việc, đồng thời đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp nên cung cấp cho nhân viên các khóa đào tạo an toàn cần thiết, giới thiệu môi trường làm việc và các rủi ro có thể xảy ra trước khi nhân viên bắt đầu làm việc để đảm bảo an toàn cho nhân viên tại nơi làm việc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn