Vào năm 2020, Yu Jialin - một kỹ sư phần mềm người Trung Quốc - đã xem một bài tiểu luận về công nghệ hát nhép và nảy ra một ý tưởng trong đầu anh. Anh tự hỏi liệu công nghệ này có thể được sử dụng để tái tạo hình ảnh về người ông quá cố của mình và giúp anh gặp lại ông hay không?
Hành trình hồi sinh ông nội của Yu đại diện cho một trong nhiều trường hợp ở Trung Quốc về việc sử dụng AI để "hồi sinh" người chết.
Theo tờ Business Insider, Griefbot – phần mềm trò chuyện chứa đựng tính cách và ký ức của những người đã khuất - đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Các chương trình này mang đến cho mọi người cơ hội giao tiếp với những người thân yêu đã qua đời của họ.
Đối với Yu, Griefbot đã mang đến cơ hội chuyển những lời cuối cùng của anh tới ông nội - người đóng vai trò quan trọng trong quá trình nuôi dạy anh trưởng thành.
Theo tờ Business Insider, những tiến bộ về AI đã nâng cao đáng kể khả năng của Griefbot. Trước đây, cần cung cấp các bộ dữ liệu lớn để tạo ra mô hình AI. Tuy nhiên, với sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT, ngay cả những người không chuyên hoặc chỉ một kỹ sư phần mềm như Yu cũng có thể cung cấp một lượng nhỏ thông tin về quá khứ của một người để tái tạo ngoại hình, giọng nói và cách suy nghĩ của họ.
Haibing Lu - giáo sư phân tích thông tin tại Đại học Santa Clara (Mỹ) - giải thích rằng, những điều chỉnh nhỏ có thể giúp đạt được sự tương đồng 99% với người được tái tạo.
Yu bắt tay vào việc thu thập một kho thư, ảnh, video và tin nhắn cũ để dạy mô hình AI của mình về tính cách của ông nội anh. Mặc dù ở giai đoạn phát triển ban đầu, Griefbot còn nhiều hạn chế và thường đưa ra các câu trả lời chung chung, nhưng Yu nhận thấy sự tiến bộ khi anh cung cấp thêm thông tin. Griefbot bắt đầu thể hiện chính xác thói quen và sở thích của ông nội, mang lại cho Yu cảm giác thành công.
Bà của Yu - người vẫn cố gắng vượt qua nỗi nhớ về người chồng quá cố của mình - đã tìm thấy niềm an ủi trong những phản hồi của Griefbot.
Các nhà tâm lý học nhận ra những cách phát triển mà con người để tang người quá cố với sự tiến bộ của công nghệ. Sue Morris - Giám đốc dịch vụ mai táng tại Viện Ung thư Dana-Farber - giải thích rằng, những người đang đau buồn vì mất người thân hiện nay thường giữ những vật kỷ niệm kỹ thuật số như ảnh và video của người đã khuất. Theo một nghĩa nào đó, Griefbot có thể được coi là một tiến bộ công nghệ.
Tuy nhiên, Morris cảnh báo rằng, các phần mềm như Griefbot có thể làm giảm khả năng kiểm soát cảm xúc của các cá nhân, có khả năng dẫn đến những tác động bất ngờ và gây ra nỗi đau quá lớn.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những phần mềm như Griefbot làm dấy lên những lo ngại về vấn đề đạo đức. Giáo sư Haibing Lu nhấn mạnh khả năng những kẻ lừa đảo khai thác dữ liệu cá nhân của những người đã khuất để lừa gạt người khác. Và ông Lu gợi ý rằng, các cá nhân cần có khả năng cấp quyền hoặc cấm sử dụng dữ liệu của họ sau khi chết.
Trong khi một số công ty cung cấp dịch vụ để người dùng tải thông tin cá nhân của họ lên mạng, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền riêng tư của người đã khuất.
Theo tờ Business Insider, việc sử dụng AI để tái tạo và giao tiếp với những người thân yêu đã khuất là một xu hướng đang phát triển ở Trung Quốc. Ví dụ như câu chuyện của Yu Jialin, các cá nhân đang sử dụng công nghệ AI để kết nối lại với những người thân đã mất của họ. Tuy nhiên, sự phát triển của các Griefbot cũng đặt ra những cân nhắc quan trọng về mặt đạo đức, chẳng hạn như nguy cơ lừa đảo và vấn đề về sự đồng ý của người đã khuất.
Tờ Business Insider nhận định, khi công nghệ này tiếp tục phát triển, điều quan trọng là phải điều hướng những tình huống khó xử về đạo đức này, và đảm bảo việc sử dụng AI một cách tôn trọng và có trách nhiệm trong việc tái tạo ký ức và tính cách của những người đã khuất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn