Cuối tháng 9/2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ "giảm tỷ lệ phá thai vì mục đích phi y tế", như một phần trong nỗ lực cải thiện sức khỏe phụ nữ theo một loạt hướng dẫn mới giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong nước. Động thái này vấp phải phản ứng từ công chúng, với nhiều người đây được coi là biện pháp can thiệp đời sống cá nhân nhằm nâng cao tỷ lệ sinh của đất nước.
Theo đó, mặc dù chính sách mới giúp giảm tỷ lệ phá thai cao, phần lớn do tư tưởng "trọng nam khinh nữ" tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng. Nhiều người coi đây là hạn chế quyền của phụ nữ trong bối cảnh chính thức thúc đẩy tăng trưởng dân số trước tình trạng già hóa dân số.
Chính sách bị công chúng chỉ trích là một hình thức can thiệp mới của chính phủ vào cuộc sống gia đình riêng tư của người dân, sau khi chính sách một con dẫn đến những vụ cưỡng ép phá thai.
"Thật buồn cười khi họ không muốn tăng dân số, nói rằng ít con hơn sẽ hạnh phúc cả đời; và khi họ muốn, họ nói phụ nữ nên quan tâm đến sức khỏe của mình và tránh phá thai. Trước đây có những phụ nữ mang thai con thứ bị ép phá thai, giờ lại ép người ta mang thai à?"- một người dùng Weibo bình luận.
Một cư dân mạng bình luận: "Chúng tôi vẫn chỉ được xem như một công cụ sinh nở". Trong khi đó, những người khác so sánh điều này với "The Handmaid's Tale" (Câu chuyện người hầu gái), bộ phim phản ánh xã hội mà đàn ông được coi như bề trên trong khi phụ nữ bị biến thành vợ, người hầu, bị coi như những "chiếc máy đẻ" nhằm duy trì nòi giống. Ngoài ra, nhiều người cũng liên hệ chính sách với lệnh cấm phá thai được áp dụng gần đây ở bang Texas của Mỹ.
"Không để chúng tôi ly hôn ngay lập tức, không để chúng tôi nhận quà cưới, giảm phá thai. Đúng vậy, việc nâng cao tỷ lệ sinh đã trở thành nghĩa vụ đối với những người có tử cung", một người khác bình luận, ám chỉ các biện pháp can thiệp gần đây khác của chính phủ nhằm khuyến khích xây dựng gia đình.
Li Ying, một luật sư về quyền phụ nữ ở Bắc Kinh cho biết, trong bối cảnh chính quyền thay đổi 180 độ về kế hoạch hóa gia đình, việc phụ nữ lo lắng rằng các nhà chức trách có thể áp đặt các hạn chế đối với việc tiếp cận phá thai là điều đương nhiên.
"Phản ứng dữ dội của công chúng cho thấy ngày nay phụ nữ nhận thức tốt hơn về quyền của mình. Họ muốn đưa ra lựa chọn của riêng mình về việc sinh con, không bị giới hạn bởi luật pháp hoặc quy định, họ có quyền tự do trong việc nuôi dạy con cái".
Trung Quốc đã chấm dứt chính sách một con vào năm 2015 và cho phép tất cả các cặp vợ chồng có 2 con, sau đó là 3 con vào tháng Sáu năm nay. Kế hoạch mới cho giai đoạn 2021-2030 không đưa ra chi tiết về cách các nhà chức trách sẽ giảm thiểu các ca phá thai "phi y tế". Kế hoạch cũng cam kết bảo vệ quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản và "ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn".
Theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), Trung Quốc ghi nhận trung bình 9,7 triệu ca nạo phá thai mỗi năm từ năm 2014 đến 2018, tăng 51% so với giai đoạn 2009-2013, bất chấp việc áp dụng chính sách hai con vào năm 2015. Không rõ có bao nhiêu ca nạo phá thai trong số những ca phá thai đó là vì lý do y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn