Trung Quốc: Nam sinh 15 tuổi ra đi mãi mãi vì áp lực học tập

21:02 | 30/04/2023;
Sau khi câu chuyện này được lan truyền, nó đã làm nảy sinh một cuộc tranh cãi nảy lửa trong dư luận về vấn đề tâm lý do áp lực học tập của giới trẻ Trung Quốc.

Mới đây, cảnh sát ở Kiềm Sơn, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, xác nhận rằng Hu Xinyu - một học sinh 15 tuổi, đã tự kết liễu đời mình bằng cách treo cổ sau khi mất tích nhiều tháng. Cảnh sát tiết lộ tại cuộc họp báo nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của Hu là do em bị các vấn đề về tâm lý sau khi biết kết quả học tập của bản thân không tốt.

Được biết, Hu đã mất tích một cách bí ẩn vào ngày 14/10/2022. Sau nhiều tháng nỗ lực tìm kiếm Hu thì điều đau buồn nhất cuối cùng cũng xảy đến, một công nhân địa phương đã tìm thấy thi thể của em treo trên cây trong sân của kho ngũ cốc nằm gần trường THCS Zhiyuan - nơi Hu theo học. Cảnh sát xác định thi thể là của Hu sau khi tiến hành xét nghiệm DNA trên các hiện vật thu hồi được từ hiện trường.

Nam sinh 15 tuổi bị phát hiện tự tử vì áp lực học tập và bi kịch học đến mức... kiệt sức của giới trẻ Trung Quốc: "Con mệt lắm rồi nhưng con sẽ cố mà!" - Ảnh 1.

Bố mẹ Hu đã tìm kiếm em ở khắp nơi

Một cuộc điều tra và phân tích kéo dài đã diễn ra, các chuyên gia tâm lý kết luận rằng Hu bị cô lập và thiếu sự hỗ trợ về mặt cảm xúc. Em cũng bị mất ngủ và gặp các vấn đề về rối loạn chức năng nhận thức như không thể tập trung, ghi nhớ. Đặc biệt, Hu gặp khó khăn trong học tập từ khi bắt đầu học tại trường THCS Zhiyuan từ tháng 9/2022. 

Sau khi câu chuyện của Hu được lan truyền, nó đã tạo ra cuộc tranh cãi nảy lửa trong dư luận về vấn đề tâm lý do áp lực học tập của giới trẻ Trung Quốc. 

Áp lực chồng chất áp lực

Tờ The Economist từng đưa tin, Trung Quốc có tỷ lệ thanh niên tự tử đứng đầu thế giới khi có khoảng 100.000 người tìm đến cái chết mỗi năm. Trung bình 1 phút lại có 2 người tìm đến cái chết và 8 người khác có ý định tương tự.

Chu Zhaohui - một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, chia sẻ với tờ Global Times rằng, áp lực học tập là lý do chính khiến học sinh ở các trường tiểu học và trung học cơ sở Trung Quốc tự tử. 

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử của giới trẻ Trung Quốc bao gồm: Xung đột gia đình (33%), áp lực học tập (26%), mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh (16%), các vấn đề liên quan đến tâm lý (10%), tranh chấp tình cảm (5%), bắt nạt học đường (4%), các vấn đề khác (6%). Số liệu được rút ra từ thông tin điều tra của China Maker Education Bluebook.

Nam sinh 15 tuổi bị phát hiện tự tử vì áp lực học tập và bi kịch học đến mức... kiệt sức của giới trẻ Trung Quốc: "Con mệt lắm rồi nhưng con sẽ cố mà!" - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đặc biệt là trong nhiều năm qua, áp lực học tập của học sinh ở đất nước tỷ dân đang không ngừng tăng lên. Tờ Sixth Tone nhấn mạnh, hệ thống giáo dục Trung Quốc vô hình trung đã tạo sự cạnh tranh giữa các học sinh với nhau thông qua hình thức đánh giá dựa trên điểm số. Ngoài ra, những kỳ vọng "con phải thành công, con phải trở thành ông này bà nọ"... của phụ huynh cũng đè nặng áp lực lên trẻ. Theo Tân Hoa Xã, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi tới 200 NDT (khoảng gần 730 nghìn đồng) hoặc hơn thế cho 1 buổi học thêm 45 phút để con đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. 

Để lý giải về vấn đề này, Chiang Yi-lin - một nhà xã hội học, đã thực hiện nghiên cứu tại 5 trường trung học top đầu ở Bắc Kinh. Bà nhận định rằng học sinh tại Trung Quốc được định danh và phân chia thành nhiều cấp độ dựa trên thành tích học tập. Cũng theo đó, nếu bạn học giỏi thì sẽ được bạn bè yêu mến và kính trọng, còn nếu không thì mọi người sẽ nhìn bạn với một ánh mắt... không mấy thiện cảm.

Những học sinh thành tích học tập xuất sắc, đứng đầu bảng xếp hạng trong các kỳ thi thì được mọi người gọi là "xueshen" (hay "học thần"). Dưới "học thần" là "xueba" - những học sinh phải nỗ lực rất nhiều để duy trì thành tích học tập.

Những người trẻ học không giỏi là "xuezha", còn đứng "bét bảng" trong thang đo học tập này là "xueruo" - những học sinh dù cố gắng thế nào cũng không thể giành điểm cao dù cố gắng đến mấy. Như một lẽ đương nhiên, những ai bị xếp vào hạng "xueruo" phải chịu cảnh bị bạn bè xa lánh, cô lập và họ dường như không thể trò chuyện với ai.

Báo cáo về các vụ tự sát ở học sinh cho thấy những vụ việc trên đều liên quan đến căng thẳng tâm lý, phần lớn học sinh đều không thể chịu được áp lực học tập và sự thất vọng do cha mẹ, thầy cô mang lại. Vì thế, các em chọn kết thúc cuộc sống của mình theo những cách cực đoan nhất nếu không thể tìm được các giải pháp cho các vấn đề của bản thân.

Nam sinh 15 tuổi bị phát hiện tự tử vì áp lực học tập và bi kịch học đến mức... kiệt sức của giới trẻ Trung Quốc: "Con mệt lắm rồi nhưng con sẽ cố mà!" - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngày 23/10/2021, Trung Quốc đã thông qua luật mới về giáo dục nhằm giảm áp lực học tập đối với học sinh, trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy cải tổ hệ thống giáo dục. Theo đó, các chính quyền địa phương tăng cường giám sát nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ đối với học sinh, đồng thời các bậc phụ huynh, người giám hộ phải sắp xếp thời gian cho con học tập, nghỉ ngơi, vui chơi và tập thể dục một cách hợp lý, tránh tình trạng trẻ nghiện Internet.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn