Trên đường phố nhộn nhịp, một người đàn ông chống hai tay bò dưới mặt đất, khó khăn di chuyển qua đám đông. Thỉnh thoảng, anh dừng lại đưa tờ giấy có in hình một đứa trẻ và hỏi người đi đường có nhìn thấy đứa bé không. Người đàn ông này là Trần Thăng Khoan, 34 tuổi.
Thăng Khoan sinh ra ở một ngôi làng của trấn Thành Nguyệt, huyện Toại Khê, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Do bệnh tật từ khi nhỏ nên hai bàn chân của anh Khoan biến dạng, không thể đi lại bình thường. Anh phải bò bằng tay và chân mỗi khi di chuyển. Năm 20 tuổi, anh Khoan vào làm tại một nhà máy của Trạm Giang, tuy lương không cao nhưng cũng có thu nhập ổn định. Tại đây, anh gặp và yêu một cô gái tàn tật, sau đó tiến đến hôn nhân. Ngày 15 tháng 4 năm 2013, hai vợ chồng đón con trai đầu lòng Trần Triệu Nguyên. Cậu bé khỏe mạnh và đáng yêu ra đời mang đến cho gia đình anh Khoan thêm nhiều tiếng cười và hạnh phúc.
Tuy nhiên, buổi sáng ngày 2/1/2015, bé Triệu Nguyên đột ngột biến mất sau khi chơi cùng những đứa trẻ trong làng trước cửa nhà. Nhận được tin tức, anh Khoan lập tức trở về, bò khắp làng tìm kiếm, hỏi thăm tin tức và đăng thông báo tìm con nhưng không ai thấy bé Triệu Nguyên. Làng không có camera nên cảnh sát địa phương cũng không thể điều tra được gì.
Anh Khoan cho biết, bé Triệu Nguyên có vết bớt đen trên lòng bàn tay trái và nốt ruồi nhỏ ở mắt. Lúc nhỏ cậu bé rất ngoan, chỉ mới tập đi trước khi mất tích và không đến gần người lạ. Anh nghi ngờ con trai bị bắt cóc nhưng không có bất kỳ manh mối nào về bọn buôn người. "Thời điểm đó tôi đã rất tuyệt vọng và mất hết can đảm sống tiếp", anh Khoan nói.
Anh Khoan không ngừng tự nhủ nếu tuyệt vọng thì sẽ không bao giờ được gặp lại con trai. Vì vợ cũng là người tàn tật và đi lại rất bất tiện, anh quyết định một mình ra ngoài tìm con. Sau khi bé Triệu Nguyên mất tích, anh Khoan đã đăng thông báo và bò khắp Trạm Giang với hy vọng tìm lại con. Những nơi nhiều người qua lại như bến xe, anh ở lại vài giờ, đưa thông tin về đứa con mất tích và hỏi thăm người xung quanh. Khi đói anh chỉ mua một ít lương khô ăn dằn bụng, lúc mệt mỏi nằm tạm ven đường nghỉ ngơi. Mỗi khi trời mưa quần áo anh Khoan đều ướt sũng.
Muốn tin tức được lan truyền rộng rãi, anh Khoan chi một khoản tiền phát thông báo tìm con trai thất lạc trên đài truyền hình địa phương, đồng thời tìm đến Liên đoàn Người khuyết tật địa phương để nhờ giúp liên hệ với các phương tiện truyền thông, nhưng bé Triệu Nguyên vẫn bặt vô âm tín. Vài tháng sau, có người bảo anh đến Quảng Châu, nơi có nhiều phương tiện truyền thông và người tốt bụng. Mặc dù từ nhỏ ít ra ngoài do bệnh tật nhưng vì con anh Khoan quyết định lên đường đến Quảng Châu.
Trong suốt quá trình, anh Khoan thu thập được một số manh mối. Có lúc, anh cùng cảnh sát đến tận nơi tìm con, có lúc cảnh sát đi một mình để xác minh. Tuy nhiên, những đứa trẻ được nghi ngờ đó đều không phải là bé Trần Triệu Nguyên. Một lần, anh Khoan nghe nói có một đứa trẻ ở Thường Châu, Giang Tô trông rất giống bé Triệu Nguyên, bị bắt cóc từ Quảng Đông. Anh rất hi vọng đó là con mình nên đã ngồi xe rất lâu để đến Giang Tô, tìm đến địa chỉ nhà đứa trẻ. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng cậu bé vẫn không phải con anh.
Cứ như vậy, anh Khoan ngày càng mở rộng địa bàn tìm kiếm. Những năm qua, anh đã đến Bắc Kinh, Nam Kinh và các thành phố khác; đi khắp Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. "Tôi chắc cũng đi gần một nửa Trung Quốc rồi", anh Khoan ước chừng.
Mỗi lúc tìm con, anh Khoan thường ra ngoài đến mười mấy ngày mới về. Mặc dù tằn tiện nhưng số tiền tiết kiệm gần 30.000 nhân dân tệ (hơn 107 triệu đồng) nhanh chóng được dùng hết. Anh chỉ có thể quay lại nhà máy làm việc và kiếm tiền để có thể tiếp tục tìm con.
Qua những lần tìm con, anh Khoan phát hiện vẫn có nhiều cha mẹ chưa tìm được con thất lạc. Anh cũng tham gia những nhóm tìm con cái và gặp gỡ nhiều người cùng cảnh ngộ. Mặc dù di chuyển không thuận tiện, anh vẫn tham gia các hoạt động tìm kiếm trẻ em của nhóm. Người cha tàn tật cho biết muốn những vụ bắt cóc trẻ em cũng như tin tức về vụ bắt cóc con được nhiều người chú ý hơn.
Thời gian tìm con, anh Khoan được nhiều người giúp đỡ, có người mua nước và thức ăn, có người ủng hộ tiền, nhưng đồng thời cũng bị nhiều người chế giễu, nghi ngờ lừa tiền. Mặc cho người khác nói gì, anh vẫn không quan tâm, tiếp tục hành trình của mình.
Nhiều năm trôi qua, mặc dù đã có thêm một con trai và một con gái, anh Khoan vẫn luôn canh cánh bên lòng về bé Triệu Nguyên. Anh cho biết, nhiều lúc anh lo lắng, sợ con có cuộc sống không tốt và vô cùng nhớ con. Hai năm trở lại đây, do áp lực nuôi dạy con cái và ảnh hưởng của dịch bệnh, anh thường xuyên làm việc trong nhà máy và ít ra ngoài tìm con hơn.
Khi cùng nhiều người khác tìm con tại Tử Kim, tỉnh Quảng Đông, anh Khoan gặp Tôn Hải Dương, người cuối cùng đã đoàn tụ với con trai mất tích sau suốt 14 năm vào tháng 12 năm 2021. Anh Khoan rất xúc động khi biết tin tức này: "Tôi tin rằng một ngày nào đó tôi cũng có thể đoàn tụ với con trai thất lạc như anh Tôn Hải Dương". Anh cho biết sẽ tiếp tục bò đi tìm con cho đến ngày đoàn tụ.
Anh Khoan đã lấy mẫu máu của mình; một thời gian trước, công an địa phương cũng yêu cầu anh gửi ảnh con trai. Người cha hy vọng những điều này có thể giúp anh sớm ngày tìm được con trai Trần Triệu Nguyên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn