Thanh niên trẻ ở thành phố hiện đại đã tìm thấy cách sống mới trong xã hội vật giá leo thang: Đó là nhặt rác.
Họ gom đồ gia dụng, quần áo… vứt bên đường về nhà.
Chiếc ghế, sofa, thậm chí là khung cửa… qua quá trình làm sạch và sửa chữa, chúng lại có cuộc sống khác ở ngôi nhà mới.
Trong tiếng Anh có một thuật ngữ chuyên dụng gọi tên cách sống này là “Stooping”, có thể hiểu là “nhặt phế phẩm mang về nhà sử dụng lại”.
Nhóm người trẻ ở Thượng Hải (Trung Quốc) đang tiếp nhận cách sống này, vui vẻ tự nhận mình là “những kẻ săn rác”.
Đối mặt với vấn đề môi trường và cuộc sống cá nhân không ổn định, người trẻ ở thành phố lớn chọn cách tiết kiệm, nhưng vẫn không muốn tách rời vật chất trong cuộc sống. Thế là họ bắt đầu thói quen tái sử dụng, vừa tiết kiệm vừa sống đúng gu thẩm mỹ theo ý muốn.
Song cách sống này đòi hỏi bạn phải có khả năng tìm tòi, săn lùng và đầu óc thiết kế, để một lần nữa cho những thứ cũ nát vứt đi một sự sống mới.
Chàng trai Võ Khải Tư ở thành phố Quảng Châu khoe chiến lợi phẩm mà anh có được khi bận bịu từ 5 giờ sáng đến giữa trưa. Trong đó, có chiếc quạt máy nóng lạnh màu xanh lá mạ được sản xuất hơn 30 năm trước. Là “người săn rác”, chàng trai sinh năm 1995 thu mua phế liệu và bán sản phẩm secondhand đã được 7 năm.
Tháng 9/2022, Võ Khải Tư đã thành lập nhóm “Stooping Quảng Châu”, cung cấp thông tin về hoạt động nhặt đồ vứt đi trong thành phố. Ban đầu, kênh tài khoản không được ai để ý đến. Anh rất ngưỡng mộ nhóm “Stooping Bắc Kinh” vì họ rất thành công.
Võ Khải Tư cho biết trào lưu Stooping nổi lên ở Thượng Hải vào tháng 6 năm nay, sau đó lan truyền đến Bắc Kinh, Hàng Châu…
Cô gái tên Ba Nữu, sinh năm 1996 đến từ Ôn Châu, sống và làm việc ở Thượng Hải, là người đưa “Stooping, Stooper” vào Trung Quốc.
Sau 2 tháng cách ly ở Thượng Hải, Ba Nữu trở lại với công việc nhặt rác ban đêm, phạm vi là quận Ngô Đồng - trung tâm thành phố.
Vừa rong ruổi trên khắp con đường vừa nhặt đồ bỏ đi là cách sống mới của cô gái sinh năm 1996. Ba Nữu tốt nghiệp đại học Luân Đôn ở Anh, về nước được 2 năm, làm việc trong một trường đại học nước ngoài có cơ sở ở Thượng Hải. Cô cho biết mỗi khi đến mùa tuyển sinh, cô phải tăng ca đến 11-12 giờ đêm, khai giảng mới rảnh rỗi một chút.
Mặc dù tăng ca đến giữa khuya, quãng đường đi bộ từ văn phòng về nhà chỉ mất mười mấy phút, nhưng lại là khoảnh khắc Ba Nữu cảm thấy tự do nhất.
Cô gái nhìn thấy rất nhiều vật dụng vứt bên đường: Chiếc sofa còn mới, ghế đẩu, bồn rửa mặt, giường, thậm chí là xe điện đã bị chai pin. Kiểm tra đồ dùng, chụp hình, ghi rõ tình trạng hiện tại của món đồ và địa chỉ, rồi đăng tải lên trang tài khoản cá nhân. Người có nhu cầu sẽ tự động tìm đến.
Ba Nữu nhắc nhở mọi người, những thứ đồ cô đăng tải không được để qua đêm, nếu không lấy ngay trong đêm thì sáng mai sẽ bị quản lý môi trường dọn sạch.
Song việc chia sẻ hình ảnh để mọi người “nhặt rác” này lại vô tình phát sinh vài vấn đề. Vì tài khoản cá nhân của Ba Nữu có thể hiện cô từng du học nước Anh, do đó có người nói cô là con nhà giàu bày trò, những thứ rác đó là của cô tự vứt đi. Người làm công ăn lương thật sự sẽ không có thời gian và công sức đi nhặt rác.
Ba Nữu phản bác: “Thời gian của giới trẻ mà các người nói đến thật sự đáng giá như vậy sao? Xem phim, lướt điện thoại, mua hàng online đều là thói quen của nhiều thanh niên trẻ thời nay. Cũng giống như vậy, thay vì dành thời gian cho những hoạt động đó thì tôi nhặt đồ bỏ đi”.
Ba Nữu đã trải nghiệm tư tưởng tái chế và sử dụng đồ cũ trong thời gian đi học ở Luân Đôn. Mua đồ secondhand, dạo chợ trời là thói quen thường ngày của cô gái.
Trong mỗi bài đăng của Ba Nữu đều đính thêm từ “Stooping”. Thế là phong cách sống này đã từ từ du nhập vào Trung Quốc.
Từ những thứ nhặt về, Ba Nữu và bạn cùng phòng đã tự thiết kế nên vườn hoa nhỏ ngoài trời. Thời gian cách ly tại nhà năm nay càng cho họ thời gian để tập trung vào khu vườn của mình hơn.
Được nhiều người biết đến và có nhiều nguồn cung cấp thông tin nơi có đồ bỏ đi, Ba Nữu đã lập một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội, người nào nhanh tay thì sẽ được lấy món đồ đó và tự đi nhặt về. Đến nay, tài khoản của cô đã sở hữu 20 nghìn người theo dõi và nhóm chát hơn 3.000 người tham gia.
Ba Nữu ý thức được, dịch bệnh gây ra biến động đến ngành nhà hàng khách sạn. Nhiều cửa hàng đóng cửa, do đó đồ dùng vứt đi cũng nhiều và chất lượng hơn.
Bắt đầu từ Thượng Hải, Stooping lan tỏa đến Quảng Châu, Bắc Kinh… Và nhóm “Stooping Bắc Kinh” của chàng trai với nickname Nhị Cẩu đã tiếp nối lời kêu gọi của Ba Nữu, hoạt động vô cùng mạnh mẽ và thu về hơn 130 nghìn người theo dõi.
Trước đó, Nhị Cẩu làm quản lý sản phẩm trong ngành giáo dục online, tháng 7 năm nay đã bị công ty cắt giảm nhân sự. Thất nghiệp, chàng trai thử sức với nghề “nhặt rác, tái chế và kinh doanh đồ secondhand”.
Võ Khải Tư thành lập nhóm “Stooping Quảng Châu” cũng là nhân vật khá nổi tiếng trong giới đồ cũ. Trong thời gian học đại học, anh đã đam mê việc nhặt rác, mua đồ cũ bày kín phòng ký túc xá, khiến quản lý ký túc xá cũng phải đau đầu nhức óc. Thế là anh đành thuê trọ để chứa những thứ mình nhặt về. Căn phòng trọ có giá thuê 1.000 NDT/tháng (hơn 3,3 triệu đồng), đắt hơn rất nhiều so với những phế phẩm anh mua về trong 1 tháng.
Hơn 1 năm sau khi tốt nghiệp, Võ Khải Tư biết đến một bộ mặt khác của thành phố hiện đại - những người hoạt động âm thầm giữa đêm và bóng tối. Anh hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn thẩm mỹ mới hơn về rác, nó không chỉ là những thứ bị vứt đi.
Sau khi Ba Nữu trở về Trung Quốc, cô nhất quyết ở lại Thượng Hải, không chấp nhận nghe lời bố mẹ về quê thi công chức và kết hôn.
Đối mặt với vấn đề môi trường và cuộc sống cá nhân không ổn định, người trẻ ở thành phố lớn tập sống cần kiệm hơn: Tận dụng hết sức để không tốn tiền.
So với kiểu người “nghèo tinh tế” chi tiêu vung tiền qua cửa sổ, Stooper trở thành nhóm người “nghèo tinh tế” kiểu khác: Tiêu dùng hợp lý, nhưng không kém phần “sang chảnh”, tự sáng tạo và không bị hạn chế bởi số dư trong thẻ ngân hàng.
Vì có quá nhiều thứ có thể nhặt nên Ba Nữu phải học cách tối giản mọi thứ. Mỗi lần nhặt món đồ gì đó, trong đầu cô phải vẽ ra kế hoạch về việc tận dụng nó, chứ không phải mù quáng tích trữ không cần thiết.
Đối với Stooper, ngoài việc phá bỏ những định kiến đã có, “nhặt rác” còn bao hàm khả năng thẩm mỹ, cũng như năng lực tái tạo một món đồ.
Công thức chung trong nhóm Stooper: thùng rác của người này là kho báu của người khác.
Ba Nữu xem đây là lối sống thân thiện với môi trường mà mọi người đều có thể tham gia, không chỉ không tốn tiền mà còn tiết kiệm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn