Trung Quốc: Những bà mẹ đánh đổi sự nghiệp và cuộc sống để kèm con học

09:18 | 29/04/2022;
Ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, số lượng các bà mẹ peidu (thuật ngữ chỉ những người hy sinh cuộc đời mình để giám sát việc học hành của con cái) đang gia tăng. Để đổi lấy quả ngọt cho con, họ cũng phải chấp nhận trả những cái giá cho chính mình.

Trong một ngôi làng nghèo khó ở huyện Đông Chí (phía Đông tỉnh An Huy, Trung Quốc), nơi có nhiều bà mẹ peidu, những người lớn tuổi cho biết, hầu hết người trẻ tuổi trong làng đã di cư đến nơi khác để tìm việc làm. Một bà mẹ 30 tuổi ở đây đã bỏ công việc tại thành phố để về quê dành toàn thời gian cho con gái lớn đang học trung học cơ sở. Chồng người phụ nữ này đang làm việc ở Bắc Kinh. Chị cùng với một con gái nhỏ bốn tuổi khác, cả ba mẹ con có cuộc sống đơn giản vì hơn nửa thu nhập của gia đình dành cho tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt.

Hầu hết phụ nữ ở huyện Đông Chí cũng như các gia đình nông thôn khác thường bỏ công việc làm thuê ở thành phố để lo việc học của con cái. Thông thường, một ngày của họ gói gọn trong căn nhà nhỏ thuê gần trường, bận rộn cho các bữa ăn và việc học ở trường. Sau giờ học, các bà mẹ thậm chí còn kề cạnh con mọi lúc. "Một số bà mẹ quản lý con rất chi tiết. Chẳng hạn, mất khoảng 20 phút để con đi từ trường về nhà, nhưng nếu đứa trẻ không về nhà trong thời gian đó, họ sẽ hỏi giáo viên. Trên thực tế, một số bà mẹ nghiêm khắc vì cho rằng thời gian con học ở trường là không đủ. Họ tạo ra nhiều áp lực cho con khiến chúng cảm thấy không có tự do. Điều này làm mối quan hệ mẹ con trở nên căng thẳng", Qi Weiwei, một chuyên gia giáo dục, cho biết.

Hiện tượng những người từ bỏ công việc ở thành phố để về quê dành toàn bộ thời gian cho việc giám sát con học tập là một thực tế ngày càng phổ biến tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc. Họ chủ yếu sinh ra vào những năm 1980 hoặc đầu những năm 1990, chọn hy sinh sự nghiệp và cuộc sống xã hội của bản thân để toàn tâm toàn ý tập trung vào việc học của con cái với hy vọng con có thành tích học tập tốt, đậu vào các trường đại học danh tiếng và thoát khỏi đói nghèo.

Áp lực và cô lập trong cuộc sống

Nhiều bà mẹ peidu cảm thấy cô lập trong cuộc sống hằng ngày vì tương tác xã hội hạn chế khi chủ yếu chỉ tiếp xúc với những phụ nữ khác cùng hoàn cảnh. Hầu hết họ không có việc làm. Một bà mẹ kể lại có khoảng thời gian cô không thể ngủ và cuối cùng phải lang thang một mình trên đường. Cô hoàn toàn không có cuộc sống của riêng mình và cảm thấy gánh nặng rất lớn. Chồng đi làm xa, hằng ngày cô không thể chia sẻ những vấn đề của mình.

Theo nhà nghiên cứu Qi Weiwei, thế hệ phụ nữ này bị kẹt giữa nông thôn và thành phố. Họ từng trải qua cuộc sống thành phố và hiểu giá trị của giáo dục hơn thế hệ cha mẹ là nông dân. Tuy nhiên, họ cũng mang nặng lối sống truyền thống là đặt gia đình và con cái lên hàng đầu. Vì vậy họ trở về nhà để cống hiến hết mình cho thế hệ sau. Tại các làng quê, hầu hết người già bị bỏ lại đều khó theo kịp thời đại kỹ thuật số. Giáo viên liên lạc với gia đình qua điện thoại di động nhưng nhiều người già phải chật vật sử dụng.

Đa số bà mẹ cảm thấy áp lực từ xã hội và con cái. Nếu không kèm con học, họ sẽ bị người thân và bạn bè đàm tiếu. Trong khi đó, trường học cũng áp đặt kỳ vọng vào phụ huynh. Các trường tiểu học và trung học ở trung tâm cũng muốn phụ huynh sống gần và kèm cặp con cái vì điều này giúp việc giảng dạy suôn sẻ và giúp trẻ phát triển.

Hiện nay, ngày càng nhiều gia đình bắt đầu chú trọng đến việc học của con từ rất sớm. Trước kia, các bà mẹ thường bắt đầu kèm con học từ trung học phổ thông, nhưng hiện tại là trung học cơ sở. Một số thậm chí bắt đầu khi con đang học tiểu học.

Cái giá của những đánh đổi

Khi những đứa trẻ học xong phổ thông cũng là thời điểm peidu kết thúc. Những bà mẹ này đã ở độ tuổi 40 - 50 nên khó có thể tham gia thị trường việc làm. Họ buộc phải dựa vào chồng hoặc tìm những công việc không có chuyên môn cao ở quận lỵ như rửa bát cho các nhà hàng, quán ăn. Những phụ nữ này thường chôn chặt những hối tiếc về chuyện không công việc, không bạn bè, không kết nối xã hội và không có định hướng cá nhân trong cuộc sống. Cuộc sống của họ chỉ xoay quanh gia đình nhưng lại hầu như không có một mái ấm trọn vẹn. "Khi ốm, sốt, họ không thể nhờ cậy chồng chăm sóc. Thay vào đó, họ vẫn phải nấu ăn và đưa con đi học trong khi chồng ở thành phố đi làm".

Thực tế đã có một số bà mẹ kèm con học thành công nhưng điều đó cũng khiến họ trả một cái giá. Qi Weiwei chia sẻ về một người phụ nữ có con gái vào được trường đại học tốt nhưng mối quan hệ của hai mẹ con đã trở nên căng thẳng từ khi đứa trẻ còn học cấp hai. Bất kể những thách thức, người mẹ này cho rằng peidu rất quan trọng và xứng đáng để nỗ lực. Giờ đây, cô chuyển sang tập trung cho cậu con trai mới bắt đầu học năm đầu của cấp trung học cơ sở. "Nếu tôi không kèm con học, các con tôi sẽ trách tôi khi bị điểm kém và không thể vào trường đại học tốt. Tôi đã làm những gì tôi phải làm. Dù kết quả ra sao, ít nhất tôi sẽ không cảm thấy hối hận", người phụ nữ nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn