Những ngày gần đây, tin tức 2 sinh viên trường đại học danh tiếng ở Tây An Trung Quốc lên mạng tìm người làm giúp đồ án tốt nghiệp “gây sốt” mạng xã hội.
Đầu tiên, sau một lượt trả giá, hai cô gái đã “chốt giá” với người làm thay lần lượt là 3.200 NDT (hơn 11 triệu đồng) và 1.050 NDT (hơn 3,6 triệu đồng). Được biết, người làm thay này cũng là một sinh viên trong trường.
Nhưng không ngờ rằng sau khi thương lượng xong, hai cô sinh viên lại không ngừng đòi hỏi thêm rất nhiều yêu cầu và không hề có động thái tăng thêm tiền phí.
Những ai từng làm đồ án tốt nghiệp rồi mới biết, chuyện này không phải cứ muốn là làm được, “thức đêm làm đến hói đầu” cũng là chuyện dễ hiểu.
Chàng trai làm đồ án thuê đã tận lực thỏa mãn toàn bộ yêu cầu của khách hàng. Thế nhưng hai cô gái này sau khi đạt được mục tiêu, nhận đồ án về tay thì đã “lật mặt” đòi tố cáo chàng trai vì làm hành động sai quy định nhà trường.
Hai cô sinh viên cho rằng: “Cậu cung cấp loại dịch vụ này hoàn toàn sai trái, đã vậy còn không thường xuyên trả lời tin nhắn của tôi. Đưa tiền đây! Nếu không tôi tố cáo cậu”.
Không sai! Họ đã quay ngược lại làm khó chàng trai, thậm chí còn “tống tiền”, mỗi người đòi 1.200 NDT (hơn 4,1 triệu đồng) và 500 NDT (hơn 1,7 triệu đồng).
Chàng trai chỉ muốn êm chuyện nên đành chuyển khoản cho hai cô gái, thành quả làm ra mất trắng công sức, lại còn mất thêm tiền.
Sau đó, trên Tieba của Baidu có một bài đăng với nội dung: “Phỉ nhổ vào loại lười biếng mà tôi mới gặp gần đây”, đính kèm thêm toàn bộ lịch sử hội thoại.
Dân mạng lên tiếng mỉa mai: “Từng thấy có người ăn cơm không trả tiền, chứ chưa bao giờ thấy đã ăn cơm không trả tiền mà còn muốn ăn luôn đầu bếp”.
Sau khi sự việc bùng nổ, danh tính, lớp học, thầy hướng dẫn tốt nghiệp của hai cô sinh viên “vừa ăn cướp vừa la làng” được bóc trần. Nhà trường đã tiếp nhận thông tin.
Thế là hai cô gái tìm đến chàng trai yêu cầu xóa bài đăng. Thái độ và giọng điệu vô cùng đanh thép, không hề tự cho rằng mình sai.
“Cậu bị mất tiền mất bạc, nhưng chúng tôi thì không thể tốt nghiệp được”.
Suốt quá trình, chàng trai không hề nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào, còn buông những lời “vong ơn bội nghĩa” khiến dân mạng vô cùng bức xúc.
Điều khiến người ta phải bàng hoàng hơn là hai cô gái này học trường đại học thuộc diện 211 (nhóm trường đại học giỏi của Trung Quốc). Kiến thức, nhân phẩm, tố chất của hai cô sinh viên khiến không ít người hoài nghi họ đã “đi cửa sau” mới có thể vào được trường danh tiếng.
Có một câu nói rất hay: “Một số người thích xịt nước hoa cao cấp lên người, nhưng chỉ có thể ngửi được mùi vị xấu xa”. Hai cô gái này chính là “kiểu người chủ nghĩa chỉ biết lợi ích của mình một cách tinh tế” theo bài giảng của giáo sư khoa Ngữ văn trường Bắc Đại - Tiền Lý Quần.
Họ nho nhã, có học thức, biết diễn kịch, càng biết lợi dụng nhiều cách thức để đạt được mục tiêu của mình. Loại người này một khi nắm được quyền lực thì càng nguy hại hơn bất kỳ kẻ tiểu nhân nào.
Đồng thời, mặc dù họ không thiếu tri thức, nhưng lại nghèo nàn tinh thần, chỉ biết đến lợi ích trước mắt, mà không hề nhận thức đợc việc làm của mình đang xa rời phạm vi đạo đức.
Một giáo sư của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania từng đưa ra lý luận “Tháp vàng thành công”.
Ông nói, con người trên thế giới này được phân thành 3 loại: Giver (người cho đi), Taker (người nhận) và Matcher (người bất định).
Giver là người cho đi nhiều hơn nhận. Taker là người chỉ biết nhận mà không biết cho, đơn cử là những con người nghèo nàn trong tinh thần.
Còn Matcher lại nằm giữa hai nhóm trên, không thể xác định, “gió chiều nào theo chiều đó”.
Giáo sư không hề khuyên bạn làm một người Giver cho đi hoàn toàn, vì theo Tháp vàng thành công, họ đứng dưới đáy. Nhóm người này luôn âm thầm nỗ lực làm việc, thậm chí vui vẻ với việc giúp đỡ người khác mà bỏ lỡ cơ hội của mình.
Đứa giữa tháp là Taker và Matcher. Họ là nhóm người nghèo tinh thần, dựa vào công sức của người khác để đứng ở vị trí cao hơn. Nhưng hiện tương “tiểu nhân đắc chí” này không thể dài lâu vì không phải ai cũng ngu ngốc cho đi vô tội vạ.
Đứng ở đỉnh tháp vẫn là Giver, nhưng lại là người cho đi biết chừng mực chứ không hoàn toàn như Giver mà ta đề cập ở trên. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhưng không mù quáng, có nguyên tắc và giới hạn rõ ràng. Nhờ vậy, họ đáp ứng quan niệm đạo đức và vẫn bảo vệ được quyền lợi của mình.
Do đó, người thông minh phải biết nhìn xa trông rộng, là kẻ cho đi 8 phần.
(Nguồn: Zhihu)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn