Bị ảnh hưởng bởi siêu bão Doksuri, từ 8h00 ngày 29/7, Trác Châu liên tục mưa.
Đặc biệt trong vài ngày qua, khi thủ đô Bắc Kinh chịu lượng mưa kỷ lục trong vòng 140 năm thì các con sông ở thành phố Trác Châu (nằm phía tây nam Bắc Kinh) đã nhận một lượng nước lớn từ Bắc Kinh, biến Trác Châu thành khu vực ngập lụt nặng nhất thời điểm hiện tại.
Cả khu chợ bị vây khốn trong nước lũ
Sau khi nhận được thông tin kêu gọi hỗ trợ từ Trác Châu, các đội cứu hộ đã ngay lập tức tới giải cứu người dân vùng lũ.
Thuyền cứu hộ tiến vào một khu chợ lớn với cảnh tượng: Nước chảy đục ngầu, túi nylon và vỏ chai nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhiều mái nhà hàng quán ven đường nhấp nhô ngang mực nước, những chiếc ô tô bên đường chìm hẳn trong nước lũ, xuồng cứu hộ nhiều lần loạng choạng vì lỡ đi qua nóc ô tô.
Dọc đường vào chợ, người người kêu cứu, có người ngồi bên cửa sổ, có người trên mái nhà, có người trên nóc xe tải...
Anh Trần Khang, 45 tuổi, kể: từ ngày 29/7, Trác Châu mưa rất to. Đến 20h ngày 31/7, mưa tạnh. Nhưng nửa tiếng sau, nước từ phía bắc tràn vào, cống liên tục phun nước lên. Lúc này anh mới chột dạ vội thu dọn quần áo, sữa của đứa cháu một tuổi rưỡi chuẩn bị rời chợ. Nhưng anh không ngờ vừa lên xe thì xe không nổ máy, nước cũng tràn vào giày, anh không còn cách nào khác là xuống xe chạy lên xe tải chở hàng.
Sau đó, cả một đêm anh và cháu trốn lũ trên chiếc xe này nhưng anh vẫn cảm thấy bất an, dù ở trên chiếc xe tải cao hơn một mét. 4h sáng, nước đã ngập đến đầu gối, 11h trưa thì nước ngập đến thắt lưng. Dòng nước chảy xiết và đầy xoáy nước bao quanh xe tải.
Đến chiều 1/8, Trần Khang và cháu được đội cứu hộ đưa đến nơi an toàn.
"Cô đảo" kêu cứu
Những ngày qua, rất nhiều nơi ở Trác Châu trở thành "cô đảo" do mực nước dâng cao nhanh.
Khu dân cư Thủy Thượng Nhân Giai với 458 hộ gia đình bị ngập nặng, Vào 31/7, sau khi nhà xe bị sập đã hình thành một cái hố rộng khoảng 100m2, sâu 4-5m.
Tạ Dũng, một cư dân, kể lại rằng nước lũ tràn qua khu vực sập lún, tấn công bao vây chung cư.
Điện thoại di động của Tạ Dũng đã sử dụng được hơn một ngày và thỉnh thoảng anh phải tắt nguồn để tiết kiệm pin. "Tôi thậm chí không thể kết nối Internet và cũng không thể gọi điện thoại".
Đến cuối giờ chiều ngày 31/7, Tạ Dũng hốt hoảng di chuyển lên tầng 2 nhưng nước cũng dâng lên quá nhanh và anh bị mắc kẹt trên tầng này. May mắn sau đó, anh và nhiều người khác sang được tòa văn phòng nhỏ trong khu dân cư. Nước lũ thì cứ 1 giờ tăng lên khoảng 5cm.
Tạ Dũng đã nhìn thấy đội cứu hộ đi ngang qua tòa nhà nhiều lần nhưng đội cứu hộ cho biết họ đang đi giải cứu những trường hợp nghiêm trọng hơn.
Thái Thanh, một cư dân sống ở tầng một, cũng bị mắc kẹt.
Đến sáng 1/8, mưa ngớt nhưng mực nước vẫn chưa rút, tầng 2 sắp bị ngập. Cô nhìn thấy vài người đeo phao bơi ra ngoài.
Vì không biết mình sẽ bị mắc kẹt nên gia đình cô đã không chuẩn bị thức ăn trước. Trong nhà chỉ còn một gói mì tôm dành cho các con. Cô gửi con ở nhờ nhà hàng xóm tầng trên, còn vợ chồng cô tạm thời ở tạm ngoài hành lang.
Quách Vi, một hướng dẫn viên du lịch, đã tạm trú trên tầng 6 của một khách sạn ở làng Vĩnh Lạc (Trác Châu) 2 ngày liền nhưng nước ở tầng dưới đã ngập ngang tầng 2.
Nói về làng Vĩnh Lạc, cô nói: "Tình hình ở đó rất tồi tệ". Mùa này, ngô ngoài ruộng đã cao gần bằng đầu người nhưng bây giờ đã bị ngâm nước hoàn toàn.
"30-40 năm rồi chưa bao giờ thấy nước lớn như vậy", Quách Vi nói. Chiều 31/7, nước sông chưa lên đến cầu, người dân ai nấy đều nghĩ rằng năm nào cũng vậy, mưa có lớn thì nước cũng sẽ rút sau 2-3 ngày nhưng lần này thì khác.
Theo đội cứu hộ Lam Thiên, tình hình hiện tại của Trác Châu vẫn rất nguy hiểm. Do nước lũ hiện thoát chậm nên công tác chống lũ, cứu nạn khu vực này dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều ngày.
"Vào ngày 2/8, vẫn có lượng mưa gần 70mm ở phía tây bắc Hà Bắc, điều này có thể làm tăng tình hình kiểm soát lũ lụt ở Trác Châu. Do đó, tình hình chung ở Trác Châu rất nghiêm trọng và các đội cứu hộ cần chuẩn bị cho các cuộc giải cứu kéo dài nhiều ngày".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn