Trung Quốc: Sự trưởng thành ‘có vấn đề’ của thế hệ con một

18:38 | 24/09/2018;
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi chính sách một con của Trung Quốc, dẫn đến hàng trăm triệu trẻ em duy nhất được gọi là “hoàng đế nhỏ” bởi chúng thường được cha mẹ nuông chiều quá mức. Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc cũng rất quan tâm đến con cái và mong muốn con được có những trải nghiệm xa xỉ mà họ không được có trước đây.

Thiếu niên Trung Quốc đang bước vào tuổi dậy thì sớm hơn rất nhiều so với 15 năm trước, một số trường hợp thậm chí còn trước khi họ 11 tuổi.

 

Các nghiên cứu xã hội học cũng cho thấy, họ ít giao tiếp hơn. Nhiều người thiếu kỹ năng xã hội để đối phó với một thế giới ngày càng cạnh tranh. 45% cư dân đô thị Trung Quốc có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe do căng thẳng với tỷ lệ cao nhất là các sinh viên. 

8a.jpg
Ảnh minh họa
 

Một giáo viên ở tuổi 30 đã chia sẻ với National Geographic “Khi chúng tôi là sinh viên, không có khoảng cách thế hệ nào với giáo viên. Ngày nay, sinh viên của chúng tôi có quan điểm và ý tưởng riêng. Họ nói về dân chủ và tự do, độc lập và quyền cá nhân...”.

 

Một người lớn khác so sánh: “Chúng tôi có một tuổi thơ thuần khiết. Còn các sinh viên bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những điều hiện đại, nhất là tình dục. Nhưng khi chúng tôi còn trẻ, tình dục là một điều cấm kỵ”.

 

Nhiều thanh thiếu niên thành thị có máy tính và điện thoại di động thông minh. Thậm chí trẻ em có máy vi tính, lướt Internet và xem các loại chương trình truyền hình khác nhau. Từ khi còn nhỏ, chúng được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua các trang mạng xã hội.

 

Bên cạnh đó, giới trẻ Trung Quốc cũng thích sài đồ hiệu. Source, một thương hiệu quần áo khá hút khách ở Thượng Hải cho biết, sở dĩ họ hấp dẫn giới trẻ bởi biết cách tổng hợp chủ nghĩa cá nhân mới của Trung Quốc và tìm ra cách thanh thiếu niên muốn thể hiện bản thân, để có ý tưởng riêng và quyền lựa chọn độc đáo.

 

Bệnh 'hoàng đế nhỏ' 

 

Vì thế xuất hiện vô số trẻ em mắc bệnh béo phì. Bọn trẻ thích ăn hamburger, khoai tây chiên giòn, bánh rán, bánh ngọt... Và hậu quả là béo phì đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn đối với trẻ em Trung Quốc. Theo một công ty nghiên cứu thị trường QF Information Consulting, thì cứ trong 5 trẻ em thành thị Trung Quốc lại có một bé hiện đang bị thừa cân.

 

“Có hai lý do chính cho bệnh béo phì ở trẻ em: tiêu thụ quá nhiều calo và thiếu hoạt động thể chất”, Jia Jianbin, tổng thư ký của Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc, cho biết.

 

Bên cạnh đó, các bệnh về tâm lý cũng đang gia tăng trong giới trẻ. Theo một cuộc khảo sát, 30 triệu thanh thiếu niên dưới 17 tuổi có vấn đề về tinh thần. Một quan chức y tế Trung Quốc cho biết: “Các vấn đề tâm lý và tinh thần ở trẻ vị thành niên đã trở nên nổi bật khi đất nước đang thay đổi nhanh chóng và bệnh tâm thần trở thành căn bệnh hàng đầu của thanh thiếu niên Trung Quốc”.

 

Những đứa trẻ người lớn 

Chính sách một con đã tạo ra một thế hệ những người trẻ tuổi tự coi mình là trung tâm, những người có cảm giác được phóng đại về quyền lợi và không thể duy trì các mối quan hệ. Có những trường hợp hôn nhân tan vỡ sau nhiều tháng hoặc thậm chí vài tuần. Ở một số thành phố, 1/3 số ly dị liên quan đến thanh niên từ thế hệ chính sách một con.

 

Trong khi đó, nhiều người chưa kết hôn ở độ tuổi 30 vẫn sống với bố mẹ. Theo truyền thống, người Trung Quốc sống ở nhà cho đến khi lập gia đình. Chen Xinxi, một nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Phụ nữ Quốc gia, nói với tờ Los Angeles Times: “Ở Mỹ, khi trẻ em 18 tuổi, cha mẹ coi họ là người lớn và đuổi họ ra khỏi nhà. Ở Trung Quốc, cha mẹ của những đứa con độc thân không muốn chúng lớn để rời khỏi nhà, cho dù họ bao nhiêu tuổi cũng vẫn là trẻ con”. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn