Trung Quốc: Tranh cãi xung quanh đề xuất phụ nữ “sưởi ấm giường”

09:00 | 03/11/2021;
Gần đây, chính quyền quận Tương Âm, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã đề xuất chiến dịch "sưởi ấm giường", khuyến khích phụ nữ ở lại và kết hôn với nam giới địa phương để giải quyết "khủng hoảng” không lấy được vợ mà nhiều nam giới đang phải đối mặt.

"Phụ nữ là con người, không phải nô lệ"

Đề xuất gọi những thách thức mà nam giới đang tìm kiếm hôn nhân ở khu vực nông thôn phải đối mặt là "một vấn đề đang chuyển từ vấn đề cá nhân thành vấn đề xã hội". Chiến dịch được đề xuất gồm 4 phần, bao gồm việc tăng cường tuyên truyền, khuyến khích phụ nữ địa phương ở lại vùng nông thôn, đơn giản hóa thủ tục hợp pháp để phụ nữ ở lại quê nhà, tăng cường dịch vụ mai mối và cải thiện cơ hội việc làm, mức lương tại địa phương. "Phụ nữ nông thôn phải được giáo dục để yêu quê hương, xây dựng quê hương, được khuyến khích ở lại và thay đổi quê hương, giảm tỷ lệ mất cân bằng giữa nam và nữ ở đây", đề xuất cho biết.

Red Net, trang web của Tỉnh ủy Hồ Nam, cũng đã đăng một bài báo ủng hộ đề xuất này. "Chuyện đàn ông nông thôn lấy vợ là một vấn đề không nhỏ. Hoàn toàn cần thiết để các vùng nông thôn thực hiện đề xuất "sưởi ấm giường" và để nam giới lớn tuổi cảm thấy hạnh phúc hơn". Bài báo đề cập: "Ở các vùng nông thôn, việc đàn ông không lấy được vợ trở nên phổ biến. Điều đó đang làm cha mẹ họ và bản thân họ buồn".

Tuy nhiên, đề xuất này cũng nhận nhiều lời chỉ trích. Nhiều người gọi đây là một đề xuất xâm phạm quyền tự do của phụ nữ. Một tài khoản Weibo viết: "Chúng tôi không được học hành để về quê và phục vụ bố mẹ chồng". Một người khác bình luận: "Tôi nghi ngờ những phụ nữ sống trong làng sẽ bỏ đi sau khi nghe đề xuất này". Nhiều phản hồi tiêu cực khác như: "Vì vậy, phụ nữ không thể cố gắng theo đuổi cuộc sống tốt hơn? Họ phải ở lại đây để trở thành giải pháp cho những người đàn ông?"; "Chỉ có nô lệ mới cần sưởi ấm giường cho chủ. Phụ nữ là con người, không phải nô lệ", "Nếu muốn làm ấm giường, chỉ có thể lấy một chai nước nóng để thay thế".

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên đề xuất như vậy được đưa ra. Đầu năm nay, đề xuất của một quan chức cấp cao về việc đưa phụ nữ thành thị chưa lập gia đình đến các vùng nông thôn, nơi có hàng triệu đàn ông chưa lấy được vợ, cũng đã khiến dư luận nước này phẫn nộ.

Trung Quốc: Tranh cãi xung quanh đề xuất phụ nữ “sưởi ấm giường” - Ảnh 1.

Một đám cưới ở vùng nông thôn của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tỷ lệ kết hôn đang giảm

Dữ liệu từ Bộ Dân sự nước này cho thấy, vào năm 2020, chỉ có 8,13 triệu cặp đôi ở Trung Quốc kết hôn, giảm 12% so với năm trước. Đây là năm thứ bảy liên tiếp tỷ lệ kết hôn giảm. Nguyên nhân một phần xuất phát từ sự mất cân bằng giới tính khi sinh của Trung Quốc trong nhiều năm do tư tưởng thích con trai hơn con gái. Các khu vực nông thôn đặc biệt bị ảnh hưởng khi nhiều phụ nữ chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh lớn nhất thế giới, với 114 bé trai/100 bé gái được sinh ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ số giới tính khi sinh trung bình trên toàn cầu là khoảng 105 bé trai/100 bé gái.

Gần đây, một khảo sát cho thấy, gần một nửa số phụ nữ trẻ ở thành thị được hỏi không muốn kết hôn. Khảo sát thăm dò ý kiến gần 3.000 người trẻ chưa lập gia đình sống ở các thành phố của Trung Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 26. Kết quả cho thấy 44% nữ giới và 25% nam giới tham gia khảo sát cho biết không có ý định kết hôn.

Về lý do tại sao thế hệ Z ở Trung Quốc không muốn kết hôn, 34,5% trong số những người được khảo sát cho biết họ "không có thời gian và năng lượng cho hôn nhân". Trong khi đó, 60,8% số người cho biết, họ "khó tìm được người phù hợp". Ngoài ra, những người tham gia khảo sát cũng đề cập đến một số lý do khác như: Tài chính cho việc kết hôn và gánh nặng kinh tế khi có con. Một phần ba số người được hỏi cho biết họ không tin vào hôn nhân trong khi một tỷ lệ người tương tự cho biết họ chưa từng yêu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn