Trung Quốc và "bài toán" bất bình đẳng giới trong thị trường việc làm

14:05 | 23/09/2024;
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, 63% sinh viên đại học ở nước này là nữ. thường được đánh giá là chăm chỉ và học lực tốt hơn nhưng nữ sinh vẫn khó tìm được việc làm hơn nam giới.
Phân biệt đối xử

Năm ngoái, cô Yang Jiao, sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, đã mất 4 tháng để tìm được việc làm. Các bạn học nữ của cô tại Đại học Tứ Xuyên thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn. Ngược lại, hầu hết trong số 20 nam sinh trong khóa học của cô, ngay cả những người có học lực trung bình, đều dễ dàng tìm được việc làm. 

"Nhìn chung, sinh viên nữ học chăm chỉ hơn và đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi nhưng họ lại mất nhiều thời gian hơn so với bạn học nam trong tìm kiếm việc làm", cô cho biết. Theo Yang, một trong những vấn đề lớn nhất mà sinh viên nữ tốt nghiệp ở Trung Quốc phải đối mặt, đó là khó có thể bước lên nấc thang sự nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2020, tỷ lệ nữ theo học chương trình đại học và sau đại học lần lượt đạt 58% và 50,9% trên tổng số sinh viên. Từ năm 2022, có 63% sinh viên theo học đại học là nữ. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, mức độ tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ tại trường đại học là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ về bình đẳng giới của nước này.

Mặc dù ở Trung Quốc, số sinh viên nữ đông hơn nam nhưng họ vẫn không được đại diện đầy đủ trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Một số khóa học, chẳng hạn như hàng hải và khai thác mỏ, được coi là không phù hợp với phụ nữ và họ không được khuyến khích theo đuổi những ngành này. 

Theo nhà cung cấp dữ liệu độc lập Gaokao, các khóa học có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất là giáo dục tiểu học, kinh tế gia đình, tâm lý học, nghiên cứu về phụ nữ và ngoại ngữ. "Nếu bạn đào sâu vào các con số, các trường khoa học và kỹ thuật thì bạn có thể thấy có nhiều sinh viên nam hơn", Derek Hird, một chuyên gia giới tại trường Đại học Lancaster (Anh), cho biết.

Trung Quốc và “bài toán” bất bình đẳng giới trong 
thị trường việc làm- Ảnh 1.

Các nữ sinh Trung Quốc tốt nghiệp đại học

Mức lương trung bình của nữ thấp hơn nam

Mặt khác, việc tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong giáo dục đại học không đồng nghĩa với mức lương bình đẳng tại nơi làm việc. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức của Chính phủ Trung Quốc về khoảng cách lương theo giới tính. 

Dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Zhaopin cho thấy, mức lương trung bình hằng tháng của phụ nữ Trung Quốc là 8.958 Nhân dân tệ (tương đương 1.265 USD), thấp hơn 13% so với nam giới.

Hiện nay, giáo dục đại học không còn là "tấm vé" đảm bảo cho vấn đề việc làm, đặc biệt là khi tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tuổi ở khu vực thành thị là 17,1% vào tháng 7/2024. 

Lin, một giáo viên 26 tuổi ở Thâm Quyến, cho biết: "Trong nghề của tôi, nếu một người đàn ông có kỹ năng trung bình được phỏng vấn, anh ta có nhiều cơ hội tiến vào vòng tiếp theo hơn so với một người phụ nữ có lý lịch tốt hơn. Vì có rất ít ứng viên nộp đơn nên các trường thích ứng viên nam hơn".

Trung Quốc và “bài toán” bất bình đẳng giới trong 
thị trường việc làm- Ảnh 2.

Các nữ sinh Trung Quốc tốt nghiệp đại học

Vào ngày 1/1/2023, Luật bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ Trung Quốc (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Luật này nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với phụ nữ và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của phụ nữ tại nơi làm việc. 

Luật cấm người sử dụng lao động khi tuyển dụng hỏi các ứng viên nữ những câu mang tính phân biệt đối xử (ví dụ: Câu hỏi về kế hoạch kết hôn và sinh con của họ). Luật còn cấm người sử dụng lao động đưa ra quyết định tuyển dụng hoặc thăng chức dựa trên giới tính của người lao động và ngăn chặn các quyền hợp pháp của nhân viên nữ như quyền kết hôn, mang thai hoặc nghỉ thai sản. 

Bên cạnh đó, Luật này cũng có các điều khoản quy định về trả lương bình đẳng, các thỏa thuận làm việc cụ thể cho nhân viên nữ dựa trên yêu cầu công việc hoặc thời gian. Những hành vi vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền lên tới 50.000 Nhân dân tệ.

Dẫu vậy, các nhà tuyển dụng Trung Quốc vẫn thường xuyên hỏi các ứng viên nữ về kế hoạch lập gia đình của họ. Theo một cuộc khảo sát của McKinsey, 61% phụ nữ được hỏi về kế hoạch kết hôn và sinh con, so với 1/3 nam giới. 

Mặc dù việc phân biệt đối xử với ứng viên tuyển dụng dựa trên giới tính là bất hợp pháp nhưng một số nhà tuyển dụng vẫn lo ngại rằng, việc nới lỏng các giới hạn kiểm soát sinh đẻ sẽ dẫn đến việc nhân viên nữ phải nghỉ thai sản nhiều lần. 

Cô Yang cho biết: "Sếp của tôi nói rằng, việc tuyển dụng nhân viên nam ít gặp khó khăn hơn vì nhân viên nữ có thể kết hôn và sinh con. Điều này có thể dẫn đến thời gian nghỉ thai sản kéo dài".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn