Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo có diện tích gần 4 ha tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Trung tâm có 3 công trình chính, gồm: Khu khám phá khoa học, Trạm quan sát thiên văn phổ thông, Khu thiếu nhi. Đây được xem là trung tâm về khoa học vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và là thứ 2 của Đông Nam Á (sau Singapore).
Khu khám phá khoa học gồm các phòng trưng bày, phổ biến khoa học phong phú với những chủ đề như: Hệ mặt trời, Khám phá vật chất, Trái đất và tài nguyên thiên nhiên, Khám phá không gian, Khám phá Sao Hỏa, Chơi mà học, Vì sao lại thế? Ở đây còn có một phòng chiếu hình vũ trụ (79 ghế) với những đoạn phim trực quan sinh động về rất nhiều chủ đề khoa học.
Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo được khánh thành và mở cửa đón khách từ đầu tháng 5/2022. Khách cá nhân được bố trí tham quan vào thứ Ba (sáng từ 8h30 đến 11h, chiều từ 14h30 đến 17h), được vào cửa tự do, không cần đăng ký trước. Khách đoàn (từ 30 đến 50 người) cần đăng ký trước, thời gian tham quan từ thứ 4 đến chủ nhật (sáng từ 8h30 đến 10h30, chiều từ 14h30 đến 16h30). Để đăng ký thành công, trưởng đoàn cần liên hệ và đăng ký trước qua hotline 02562478999 để xác nhận các thông tin cần thiết.
Đây là nơi để công chúng nhiều lứa tuổi tiếp cận, thực hành, trải nghiệm, tương tác với các mô hình khoa học, các thiết bị công nghệ tiên tiến, tham gia các hoạt động thực hành trải nghiệm sáng tạo, khám phá những kiến thức khoa học lý thú được diễn giải theo những cách đơn giản nhất với phương châm "chơi mà học, học bằng chơi". Qua đó, khơi gợi và khích lệ niềm đam mê nghiên cứu khoa học thông qua các thí nghiệm khoa học cơ bản cùng những thảo luận giữa các nhà nghiên cứu và công chúng, đặc biệt là trẻ em, học sinh, sinh viên.
Chẳng hạn như ở phòng Hệ mặt trời, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử hình thành vũ trụ và các hành tinh trong hệ mặt trời. Đồng thời, có thể tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên xảy ra trên trái đất, quan sát bề mặt các hành tinh trong hệ mặt trời thông qua quả cầu mô phỏng hành tinh Omniglobe.
Trạm quan sát thiên văn phổ thông sử dụng kính thiên văn quang học đường kính ống 60cm, là loại kính thiên văn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Ngoài kính thiên văn chính, tại đây còn có các kính thiên văn phổ thông cũng như các máy móc hỗ trợ khác giúp quan sát các hành tinh của hệ mặt trời và thiên hà.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo còn có Khu thiếu nhi được triển khai xây dựng từ tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2022. Nơi đây được mong đợi sẽ là không gian trải nghiệm các kiến thức khoa học một cách gần gũi nhất dành riêng cho các em thiếu nhi.
Ngoài ra, Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo còn có những không gian khác như: quán cà phê, thư viện khoa học cộng đồng, góc đọc sách hay cửa hàng bán đồ lưu niệm… chắc chắn sẽ khiến du khách phải mê mẩn.
Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo: "Từ khi khánh thành đến nay, lượng khách tham quan ngày càng tăng, có những ngày chúng tôi đón 2.000 khách tham quan. Chúng tôi rất mừng vì đã thu hút một lượng lớn du khách, mọi người rất quan tâm đến mô hình phổ biển khoa học tại trung tâm".
Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo mở cửa đón khách từ đầu tháng 5/2022
Nhiều mô hình khoa học, vũ trụ được tái hiện như thật. Tại đây, du khách được nghe thuyết minh về các thiên hà. Phòng chiếu hình vũ trụ có chiều cao 6m, đường kính 12m, được bài trí như rạp chiếu phim, có mái vòm hình vòng cung
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn