Sản xuất cầm chừng
Xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình có từ trước năm 1975. Các hộ trong xóm chủ yếu sống bằng nghề làm lồng đèn truyền thống và duy trì công việc theo kiểu "cha truyền con nối". Vốn dĩ là công việc thời vụ nên đến thời điểm Trung thu, mọi người trong nhà sẽ tạm gác việc kinh doanh của mình sang một bên để tập trung làm lồng đèn. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, các hoạt động đông người đều bị hạn chế, nhu cầu mua lồng đèn giảm mạnh, các hộ làm lồng đèn còn bám trụ chỉ làm theo kiểu cầm chừng. Không khí sản xuất của xóm không còn nhộn nhịp như mọi năm.
Tại xưởng làm lồng đèn Ánh Loan (đường Lạc Long Quân, quận 11, TPHCM), quy mô sản xuất năm nay chỉ gói gọn trong gia đình, không thuê thêm nhân công bên ngoài. Mọi năm, bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, xưởng Ánh Loan đã bắt tay vào tăng tốc làm lồng đèn. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các đại lý không dám đặt lồng đèn số lượng lớn vì sợ bán không được, xưởng Ánh Loan cũng làm số lượng ít đi.
"Không khí sản xuất lồng đèn năm nay đìu hiu chưa từng thấy. Vì dịch bệnh, không tập trung đông người nên các hoạt động cũng dừng lại. Các trường học, tổ chức cũng chưa lên kế hoạch chương trình Trung thu cho trẻ. Vì vậy, các đại lý không dám "ôm" hàng. Bản thân các xưởng sản xuất như chúng tôi không dám làm nhiều. Xưởng của tôi có sẵn mặt bằng gia đình nên vừa làm vừa bán, đỡ tốn chi phí. Nhiều xưởng phải thuê mặt bằng đã đóng cửa hoặc chuyển sang buôn bán mặt hàng khác", chị Loan, chủ cơ sở sản xuất lồng đèn Ánh Loan, chia sẻ.
Số hộ làm lồng đèn ngày càng ít
Nhiều hộ gia đình khác trong xóm lồng đèn Phú Bình cũng cùng chung tâm trạng mỏi mòn chờ khách. Nhiều nghệ nhân ở đây cho biết, lồng đèn công nghiệp đa dạng về mẫu mã, giá rẻ nên lồng đèn truyền thống chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Số lượng các hộ làm lồng đèn và sống được với nghề ngày càng ít đi. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xóm lồng đèn càng đìu hiu.
Anh Nguyễn Phú Bình, một nghệ nhân làm lồng đèn tại xóm Phú Bình, cho biết: Gia đình anh đã theo nghề được 2 đời. Đặc trưng của xưởng là làm lồng đèn lớn với các hình dáng như: cá chép, sư tử, xe hơi... trung bình có giá từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/chiếc. Mùa Trung thu mọi năm, gia đình anh bán được hơn 3.000 chiếc lồng đèn nhưng năm nay mới bán được vài chục chiếc. "Tôi làm sẵn các khung tre, khi nào khách gọi đặt hàng thì tôi mới làm hoàn chỉnh. Năm nay mà bán được 50% lượng đèn làm ra là mừng rồi. Giờ sát tháng 8 âm lịch rồi mà chỉ nhận làm lai rai thôi. Khách đặt mình mới làm, hơi bị động nhưng phải chấp nhận. Ví dụ, họ đặt 3 con thì mình làm 5 con, bán hết 5 con thì lại làm tiếp. Dịch bệnh thế này, bán được con nào mừng con đó. Lúc trước, con đường này cả trăm hộ làm lồng đèn nhưng hiện nay chỉ còn lác đác vài hộ. Dịch mà kéo dài kiểu này chắc chả còn hộ nào theo nghề nữa", anh Bình than thở.
Theo anh Nguyễn Thành, một nghệ nhân làm lồng đèn lâu năm ở xóm Phú Bình, lồng đèn công nghiệp giá rẻ, dễ mua, dễ vận chuyển hơn lồng đèn truyền thống. Vì kinh tế nên cửa hàng anh vẫn bán song song 2 loại. Thế nhưng, bản thân những người làm nghề, anh hiểu giá trị của những chiếc lồng đèn truyền thống. Cùng hình dáng nhưng mỗi xưởng có cách trang trí khác nhau và có cái hồn riêng. "Lồng đèn truyền thống chở cả tuổi thơ của các thế hệ ông bà và cha mẹ của trẻ trong đó, vậy nên vẫn còn nhiều phụ huynh lựa chọn. Họ muốn truyền tải sắc màu Trung thu và những nét đẹp của văn hóa Việt tới con em mình. Đó là lý do mà tôi không bỏ nghề. Tôi hy vọng mùa dịch sẽ dừng trước Trung thu, để Trung thu năm nay thật rộn ràng. Chúng tôi có thêm động lực để cố gắng giữ nghề", anh Thành bộc bạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn