Trước khi kinh nguyệt lần đầu “ghé thăm”, cơ thể sẽ phát ra 3 tín hiệu cảnh báo

09:21 | 19/02/2023;
Bất cứ cô gái khỏe mạnh nào cũng sẽ phải trải qua cảm giác khó tả khi có kinh nguyệt lần đầu tiên. Nếu như nắm bắt được dấu hiệu cảnh báo sớm, chắc chắn những lo lắng, vụng về sẽ bớt đi được rất nhiều.

Nữ giới ở tuổi dậy thì thường rất ngại ngùng khi nói về kinh nguyệt. Thậm chí, nhiều phụ huynh hoặc những người phụ nữ lớn tuổi hơn trong gia đình cũng không cởi mở hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của kinh nguyệt lần đầu. Trong khi thực thế thì việc trang bị kiến thức cơ bản và chuẩn bị sẵn sàng về cả tâm lý, vật chất đón nhận nó lại vô cùng cần thiết với các bé gái.

Kỳ kinh nguyệt là gì?

Cần phải hiểu rằng, kinh nguyệt có vai trò quan trọng với sự phát triển về cả sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý của nữ giới. Giải thích theo y học, kinh nguyệt là sự bong tróc của niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) kèm theo chảy máu. Nó thường xuất hiện ở nữ giới sau 12 tuổi và kéo dài trong suốt cuộc đời sinh sản của phụ nữ, ngoại trừ khi mang thai và chỉ ngừng vĩnh viễn khi mãn kinh.

Trước khi kinh nguyệt lần đầu “ghé thăm”, cơ thể nữ giới sẽ phát ra 3 tín hiệu báo trước - Ảnh 1.

Kỳ kinh nguyệt luôn là "nỗi ám ảnh" với nhiều chị em phụ nữ (Ảnh minh họa)

Một kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ theo nguyên tắc mỗi tháng 1 lần, mỗi lần kéo dài 2 đến 7 ngày. Lượng máu nhiều nhất vào ngày 2 và 3 sau đó giảm dần, mỗi chu kỳ kinh nguyệt cách nhau từ 21 - 35 ngày. Máu kinh bình thường thay đổi với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ tươi, nâu, cam hoặc xám. Đầu chu kỳ máu thường có màu đỏ, đến cuối chu kỳ máu kinh lại chuyển sang màu nâu hoặc hơi đen.

Khi các bé gái bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu phát triển và liên tục tiết ra các hormone như estrogen và progesterone khiến nội mạc tử cung bắt đầu tăng sinh theo chu kỳ. Khi tăng sinh đến một mức độ nhất định mà quá trình thụ tinh không diễn ra, tử cung sẽ tự loại bỏ nội mạc để tiếp tục chu kỳ kinh mới. Lớp nội mạc này sẽ biến thành máu và thông qua âm đạo thoát ra ngoài, thường gọi là máu kinh. Tuy nhiên, thành phần của nó khác với máu ở tĩnh mạch.

3 dấu hiệu báo trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên

Khi kinh nguyệt đến, nội tiết tố trong cơ thể nữ giới thay đổi và dẫn đến rất nhiều khác thường về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu như không muốn “trở tay không kịp” và có những trải nghiệm tồi tệ với kinh nguyệt lần đầu, bản thân bé gái cũng như các phụ huynh cần chú ý 3 dấu hiệu báo trước sau đây:

1. Tăng trưởng chiều cao nhanh chóng

Các cô gái phát triển nhanh hơn trong thời kỳ chuẩn bị có kinh nguyệt. Bé gái bước vào giai đoạn này bắt đầu phát triển các chức năng cơ thể, đặc biệt xương phát triển tương đối nhanh nên sẽ có tốc độ tăng trưởng về chiều cao nhanh hơn.

Hơn nữa, lúc này buồng trứng trong cơ thể bé gái cũng đã bắt đầu phát triển và tiếp tục tiết ra nội tiết tố Estrogen. Nội tiết tố này có tác dụng thúc đẩy quá trình phát triển của xương và duy trì chức năng bình thường của xương. Khi estrogen bắt đầu tiết ra sẽ thúc đẩy quá trình phát triển không ngừng của xương, nhờ đó chiều cao của nữ giới giai đoạn ngay trước khi có kinh nguyệt sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn.

Trước khi kinh nguyệt lần đầu “ghé thăm”, cơ thể nữ giới sẽ phát ra 3 tín hiệu báo trước - Ảnh 2.

Nữ giới trước khi có kinh nguyệt thì cơ thể cũng sẽ có nhiều thay đổi (Ảnh minh họa)

Khi các bé gái lớn nhanh hơn trong một thời gian ngắn, cân nặng của chúng cũng sẽ tăng theo và các đặc điểm sinh dục phụ của chúng cũng bắt đầu phát triển. Chẳng hạn như ngực to lên hay mọc lông nách và lông mu.

Một khi các triệu chứng này xuất hiện có nghĩa là các bé gái này đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng, tức thời điểm có kinh nguyệt lúc này đã rất gần.

2. Các dấu hiệu cơ thể bất thường

Trong khoảng 10 ngày cho đến vài ngày trước khi kinh nguyệt lần đầu tiên “ghé thăm”, nữ giới sẽ trải qua những bất thường khác nhau trong cơ thể.

Đầu tiên là ngực đột nhiên to lên, có cảm giác căng tức, đau nhức một cách rất khó giải thích dù không hề có tác động nào từ bên ngoài. Tương tự, vùng bụng mà nhất là bụng dưới sẽ có cảm giác khó chịu, tăng về kích thước hoặc cứng hơn, đau hoặc bí bách như đang đầy hơi. Cơ thể cũng cảm thấy mệt mỏi hơn, hay buồn ngủ, có thể kèm theo chán ăn hoặc thèm ăn bất thường, tăng cân.

Một số cô gái còn bị sưng, phù nề nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Ví dụ như mí mắt đột nhiên sưng húp, bọng mắt nhiều lên. Hoặc là bàn tay, bàn chân phù nề khác thường, nhất là các ngón tay không thể nắm chặt lại. Đồng thời, làn da, nhất là vùng da mặt có nhiều thay đổi rõ rệt như trở nên sạm hơn, dễ kích ứng, tiết dầu và nổi mụn trứng cá, nhiều nhất ở quanh miệng và cằm.

Đặc biệt, càng gần tới ngày có kinh nguyệt thì âm đạo của nữ giới càng xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Cụ thể như âm đạo trở nên nhạy cảm hơn, luôn ẩm ướt, căng tức nhẹ hoặc dễ ngứa ngáy và đáng chú ý nhất là tiết dịch bất thường. Đó là chất lỏng trong suốt hoặc có màu ngà như lòng trắng trứng nhưng độ nhớt cao hơn và không hôi hay tanh.

3. Dấu hiệu về tâm thần

Cùng với thay đổi về thể chất, sức khỏe tâm thần của nữ giới cũng sẽ có nhiều thay đổi trước kỳ kinh đầu tiên cũng như các kỳ kinh nguyệt cho đến mãi sau này. Nó được gọi là các rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt nằm trong nhóm hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Phổ biến nhất là tâm lý trở nên vô cùng nhạy cảm, tâm trạng cũng dễ thay đổi thất thường. Nữ giới sát kỳ kinh thường có biểu hiện khó chịu, dễ cáu gắt dù là những chuyện nhỏ nhặt, dễ gây mâu thuẫn với người khác và khó kiểm soát cơn nóng giận. Đồng thời, trạng thái lo lắng, căng thẳng tăng cao cũng như cảm giác chán nản, tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực hơn.

Trước khi kinh nguyệt lần đầu “ghé thăm”, cơ thể nữ giới sẽ phát ra 3 tín hiệu báo trước - Ảnh 4.

Ngoài thể chất, tinh thần nữ giới cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi kỳ kinh nguyệt (Ảnh minh họa)

Hay các rối loạn khác về tâm thần như khó tập trung, giảm quan tâm tới các hoạt động bình thường, cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức dù không làm gì. Ngoài ra, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt còn có thể bao gồm rối loạn về ăn uống và giấc ngủ. Cụ thể như khó ngủ, mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm hay thèm ăn hoặc chán ăn rõ rệt.

Nhìn chung, nữ giới trên 12 tuổi nên có sự chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần và vật chất trước khi kỳ kinh nguyệt đầu tiên kéo đến. Ví dụ như điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tăng cường vệ sinh vùng kín, tìm hiểu về sức khỏe sinh sản và luôn mang theo băng vệ sinh khi cơ thể xuất hiện 3 dấu hiệu cảnh báo trên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn