Chiều ngày 15/10, TS. Nguyễn Quang Bảy, Phó trưởng Khoa Nội tiết (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết, BV vừa cứu sống mẹ con sản phụ L.T.C. (18 tuổi, ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) bị bệnh bệnh Basedow, suy tim, tăng huyết áp, tiền sản giật.
Theo bác sĩ Bảy, trước đó chị C. được người nhà đưa đến BV trong tình trạng khó thở, mang thai. Qua khai thác tiền sử được biết, cách đây 1 năm, sản phụ bị basedow, điều trị thuốc viên không rõ loại. Từ khi mang thai, bệnh nhân thấy các triệu chứng ổn định nên đã tự bỏ điều trị. Trong quá trình mang thai, chị C. không đi khám định kỳ.
Tại BV, kết quả siêu âm cho thấy, tình trạng cường giáp của bệnh nhân rất nặng, tổn thương thận, suy tim. Kết quả siêu âm thai thấy có 1 thai, ngôi chưa ổn định, nặng 1,293g; các cơn co tử cung không rõ, siêu âm màng phổi thấy tràn dịch màng phổi 2 bên.
Còn theo bác sĩ Tuấn Anh (Khoa Nội tiết) trước sinh, bệnh nhân mệt mỏi, sốt cao, mạch nhanh, huyết áp cao, khó thở, thở nhanh. Thai nhi có giai đoạn máy thưa, thiểu ối, nguy cơ thai chết lưu trong tử cung. Lúc này, gia đình đứng trước lựa chọn cứu sống mẹ hoặc con.
Trước tình hình đó, BV đã tiến hành hội chẩn và chẩn đoán sản phụ bị basedow, suy tim, tăng huyết áp, tiền sản giật, thai 30 tuần, viêm phổi.
BV đã Monitro liên tục, thở oxy, truyền thuốc chữa suy tim, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị bệnh cường giáp… Sau 2 tuần điều trị, sản phụ đã tỉnh táo, ăn uống tốt, hết sốt, hết khó thở, đi lại nhẹ nhàng, chân hết phù; tình trạng ối ổn định.
Đến ngày 5/10, khi thai được 32 tuần tuổi, bệnh nhân chuyển dạ nên bác sĩ chỉ định mổ đẻ. Sau 30 phút thực hiện, kíp mổ đã lấy ra em bé nặng 1,6kg. Bé suy hô hấp mức độ trung bình nên được nằm lồng ấp, hồi sức sơ sinh.
Sau khi điều trị, đến ngày 15/10, sản phụ đã tỉnh, tình trạng cường giáp ổn định, không sốt, không khó thở, chân không phù, đi lại nhẹ nhàng. Còn em bé đã tự thở, hiện đã ăn được sữa như trẻ bình thường, mỗi bữa 30ml và ở gần mẹ, cân nặng 1,7kg.
Hiện tại, mẹ con sản phụ C. vẫn đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại BV.
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng sản xuất hormone tuyến là thyroxin và triiodothyronin. Tuyến giáp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Trong cường giáp, lượng thyroxin của tuyến giáp quá nhiều trong cơ thể thúc đẩy sự trao đổi chất được tăng cao đến mức độ bất thường.
Đối với bệnh tuyến giáp, có 2 dạng là cường giáp và suy giáp. Cường giáp chiếm 0,5% ở phụ nữ có thai. Nếu chị em bị cường giáp trong thai kỳ thì dễ bị ngộ độc thai nghén, nguy cơ sảy thai lớn. Nếu bị suy giáp thì bé bị các dị tật, chậm phát triển tinh thần, trí tuệ. Nguy hiểm hơn, có trẻ sinh ra đã phát hiện được dị tật, nhưng có trẻ lớn lên mới phát hiện được.
“Bệnh cường giáp nếu không được điều trị hoặc điều trị không kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng”, bác sĩ Bảy nói.
Bác sĩ Bảy cho biết, phụ nữ bị cường giáp nếu đang điều trị thì nên điều trị khỏi, khi nào ngừng thuốc thì mới có thai. Nếu trong thời gian điều trị mà mang thai thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người có nguy cơ bị cường giáp là những trường hợp có bệnh tuyến giáp từ trước, bướu cổ; trong gia đình có người thân bị bệnh tyuyến giáp; lần trước có thai cũng bị tuyến giáp; những phụ nữ có tiền sử sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân.