Trường chật, học sinh dự khai giảng trong 30 phút

05:00 | 02/09/2016;
Mong muốn tổ chức buổi lễ khai giảng hoành tráng là điều bất khả thi với nhiều trường chật chội, xen lẫn khu dân cư, không có sân chơi cho học sinh ở trung tâm thủ đô Hà Nội…
Cầu thang đồng thời là nơi vui chơi của học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Ảnh: Lê Hiếu 

Trường Tiểu học (TH) Võ Thị Sáu (35 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) năm nay đón hơn 100 học sinh vào lớp 1. Với tổng số hơn 700 học sinh toàn trường, bà Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tất cả các em đều được tham dự lễ khai giảng dù không gian trường chật hẹp.

Theo đó, nghi thức quan trọng nhất của buổi lễ vẫn là lễ đón học sinh lớp 1 được tổ chức ngay giữa sân trường. Trang thiết bị cho buổi khai giảng đều do các cô giáo tự tay chuẩn bị.

Do điều kiện chật chội, đây là một trong số ít trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm phải tổ chức thêm 2 điểm lẻ phân tán. Theo bà Quỳnh, cả 3 điểm trường đều chật hẹp và cách xa nhau. Việc thiếu sân chơi còn gây nên nhiều khó khăn trong các hoạt động giáo dục, đặc biệt là ngoại khóa.

Đường vào chật hẹp và nhộn nhạo ở điểm trường Võ Thị Sáu tại ngõ 18 Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.

“Vì không gian chật chội không cho phép tổ chức hoành tráng nên lễ khai giảng của trường sẽ chỉ làm rất gọn gàng trong khoảng 30 phút. Trong đó chủ yếu cho các con biểu diễn văn nghệ, phát biểu cảm tưởng. Phần phát biểu cũng hết sức ngắn gọn. Sau buổi lễ, các con về lớp làm quen với lớp học và chính thức học vào 6/9” - bà Lê Thúy Quỳnh nói.

Có diện tích sân trường không rộng rãi, trường TH Thăng Long (Hàng Bông, Hoàn Kiếm) cũng lựa chọn một lễ khai giảng gọn gàng. Hiệu trưởng nhà trường, bà Phan Thị Thắng cho biết: Buổi lễ tổ chức gói gọn trong 1 tiết học, bắt đầu từ 7h30. Trường tổ chức học bán trú nên ngay sau buổi lễ khai giảng, học sinh sẽ vào học bình thường cả buổi sáng và buổi chiều.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, vẫn còn khá nhiều trường học chật chội như tiểu học Hồng Hà, mầm non Chim non… Chỉ một số ít trường được phê duyệt kinh phí để xây mới như Bà Triệu, mầm non 20/10… Vì thế, mỗi mùa khai giảng năm học mới, ngày lễ lớn nhất trong năm của thầy và trò, những trường học chật chội nằm giữa phố cổ chịu không ít thiệt thòi.

Việc thay đổi không khí của lễ khai giảng theo tinh thần ngắn gọn, nhẹ nhàng, coi học sinh là trung tâm, đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong lễ tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai năm học mới. Theo đó, ông đã bàn với Bộ GD&ĐT kiên định chọn một ngày khai giảng đồng loạt cả nước. Khai giảng làm đúng nghi lễ chào cờ, nếu được thì cả nước cùng một thời khắc, cùng hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn rồi hết. Đến phần sau là ngày hội cho học sinh với các thầy cô giáo. "Chúng ta hãy làm thực sự vì học sinh", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

* Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, cả nước thống nhất tổ chức lễ khai giảng năm học 2016-2017 vào 7h30 phút ngày 5/9/2016 - ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Lễ Khai giảng gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức. Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường.

Các trường chuẩn bị chu đáo để lễ khai giảng thực sự là ngày hội đối với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Sau ngày khai giảng, nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học ngay, đảm bảo chương trình và kế hoạch năm học đề ra.

* Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Vấn đề thiếu cơ sở vật chất, trường học vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Dù trung ương đã có chương trình kiên cố hóa trường học, có đề án 36.000 tỷ đồng, thực tế đã chi vượt số tiền này nhưng vẫn chưa giải quyết được. Chính phủ chắc không thể đảm bảo được yêu cầu lớn như vậy trong 5 năm tới, vì vậy ngành giáo dục cần tìm một phương án khả thi và tinh thần là chỗ khó nhất ưu tiên làm trước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn